Lễ Quốc khánh, về thăm Cột cờ Hà Nội nơi Mũi tàu Tổ Quốc

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dịp lễ 2/9 này, du khách hãy thử một lần về Đất Mũi, đứng dưới quốc kỳ nơi mũi tàu Tổ Quốc thiêng liêng, để được ngắm non sông ngàn năm gấm vóc và nghe lời đất nước gọi tên mình.

Việt Nam có 4 cực, bao gồm cực Bắc là Cột Cờ Lũng Cũ (Hà Giang), cực Tây là xã Apa Chải (Mường Nhé, Điện Biên), cực Đông là ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) và cực Nam chính là Đất Mũi (Cà Mau). Nhiều người quan niệm rằng, chỉ cần chinh phục được 4 điểm cực này thì chứng tỏ đã đi hết vòng quanh đất nước.

Thiêng liêng mốc tọa độ quốc gia GPRS 0001
Thiêng liêng mốc tọa độ quốc gia GPRS 0001

Với dân du lich, không thể nào bỏ qua điểm đến cực Nam – Đất Mũi. Nơi đây, còn có Cột Cờ Hà Nội, như dấu ấn chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc qua ngàn năm dựng nước.

Dấu ấn “từ thuở mang gươm”

Bao thế hệ người Việt đều nao lòng khi nhớ lời thơ của Xuân Diệu về mảnh đất thân yêu nơi chót mũi của dãi đất hình chữ S:

 …“ Đất nước tôi như một tàu

 Mũi thuyền ta đó, Mũi Cà Mau”….

 Hai câu thơ của Xuân Diệu như nhắc lại lòng hun đúc tinh thần đoàn kết dân tộc Việt, hay còn là lời đúc kết của một dân tộc vững chãi trường tồn, không khuất phục ngoại bang.

Mũi thuyền ta đó, Mũi Cà Mau.
Mũi thuyền ta đó, Mũi Cà Mau.

Để khắc sâu tâm khảm đó của người Việt, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã trao tặng nhân dân tỉnh Cà Mau công trình Cột Cờ Hà Nội tại Đất Mũi. Công trình này nằm trong khuôn viên Khu du lịch Quốc Gia Mũi Cà Mau.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau luôn là nơi diễn ra các sự kiện lớn của tỉnh.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau luôn là nơi diễn ra các sự kiện lớn của tỉnh.

Công trình đồ sộ hoành tráng hàng trăm tỷ đồng trên vùng đất bãi bồi đã làm nhiều người kinh ngạc vì xúc động, bởi tấm lòng của người dân Thủ đô với Cà Mau. Khi đến đây, ai cũng cảm thấy tự hào rằng, Cột cờ Hà Nội như được cắm trên mũi thuyền của Tổ Quốc thân yêu, ngày đêm ngạo nghễ tiến ra chinh phục Biển Đông.

Mô hình hệ sinh thái rừng ngập mặn bên trong Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi.
Mô hình hệ sinh thái rừng ngập mặn bên trong Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi.

Để hiểu và tự hào hơn về đất nước mình, du khách hãy cắn thử một trái đước, cảm nhận vị đắng chát đến mức nào. Nhưng có thể bạn không biết, đó từng là nguồn lương thực chính của bộ đội vào những thời kỳ ác liệt nhất trong chiến tranh, khi đế quốc Mỹ rãi chất độc điôxin nhằm hủy diệt những cánh rừng đước này.

Từ cột cờ , khuất tầm mắt là biển rừng mênh mông, xa xa là Hòn Khoai 
Từ cột cờ , khuất tầm mắt là biển rừng mênh mông, xa xa là Hòn Khoai 

Du khách hãy trải nghiệm đi bộ lên những tầng cao công trình Cột Cờ Hà Nội, để ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn Cà Mau, Biển Đông rộng lớn, cụm đảo Hòn Khoai ẩn hiện từ phía xa. Cảnh rừng và biển hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh đẹp, nên thơ hiếm nơi nào có được. Du khách sẽ cảm nhận nỗi khổ cực và những lời răn dạy của của tiền nhân đi mở cõi nơi đây. Để được thấy mình như đang đứng trên mũi con tàu của Tổ Quốc, hùng dũng tiến ra khơi. Trên đầu là lá đại kỳ nền đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay phấp phới và để được nghe Tổ quốc gọi tên mình.

Để lắng nghe Tổ Quốc gọi tên mình
Để lắng nghe Tổ Quốc gọi tên mình

Đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ cuối trời Nam

Đến Mũi Cà Mau, đập vào mắt du khách một màu xanh của rừng đước bạt ngàn, trải dài bao bọc mũi thuyền Tổ Quốc thân yêu. Đó là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - điểm đến nổi tiếng mang tính địa lý, văn hóa, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước.

Mũi Cà Mau, nơi có thể ngắm mặt trời mọc và lặn từ hướng biển.
Mũi Cà Mau, nơi có thể ngắm mặt trời mọc và lặn từ hướng biển.

Mũi Cà Mau còn là địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, nơi ai cũng muốn một lần đặt chân đến đất mũi thân thương này. Ở vùng đất linh thiêng đó, bạn sẽ được một lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền đầy kiêu hãnh, hay đứng trên con tàu biểu tượng hướng thẳng ra biển Đông. Để rồi khi rời xa, bạn sẽ nhớ mãi cái nơi chẳng có nhà cao, chỉ có cây đước, cây vẹt làm nên nỗi nhớ.

Khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước.
Khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước.

 Được thành lập năm 2003, khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều, bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây.

Tổng diện tích đất của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vào khoảng 41.862 hecta. Trong đó, khoảng 15.262 hecta là diện tích vùng đất liền; còn lại 26.600 hecta là diện tích vùng ven biển tiếp xúc với đất liền; được chia thành 4 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính – dịch vụ, phân khu bảo tồn biển.

Hiện nay, vườn quốc gia Mũi Cà Mau có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú đa dạng, với khoảng 28 cho đến 32 loài cây ngập mặn; khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá khác nhau, với 9 loài lưỡng cư, 49 loài sinh vật phù du, và còn nhiều loài quý hiếm khác… Trong đó, có hai loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), vọc bạc (Trachypithecus cristatus) và bốn loài có trong sách đỏ Việt Nam.

Cua Cà Mau được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý, nhưng ngon nhất phải kể đến cua biển ở  Năm Căn, Ngọc Hiển và Mũi Cà Mau.
Cua Cà Mau được bảo hộ bằng chỉ dẫn địa lý, nhưng ngon nhất phải kể đến cua biển ở  Năm Căn, Ngọc Hiển và Mũi Cà Mau.

Ngày 26/5/2009, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến ngày 13/4/2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận vườn quốc gia Mũi Cà Mau trở thành khu ramsar thứ 2.088 của thế giới.

Đi và cảm nhận

Để đến với Cà Mau, du khách có thể di chuyển bằng xe khách từ TP.HCM, thời gian di chuyển tầm 7-8 tiếng. Ngoài ra, bạn có thể đặt vé máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines với thời gian bay 1 tiếng.

Nếu tự túc đi từ Cần Thơ, du khách có thể đi dọc theo tuyến QL1A, hoặc đường quản lộ Phụng Hiệp qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, rồi đến trung tâm TP Cà Mau.

Trãi nghiệm bắt cua, vọp, ốc len trong khu homestay.
Trãi nghiệm bắt cua, vọp, ốc len trong khu homestay.

Từ đây, đi thêm hơn 50km theo QL1A với thời gian hơn 1 giờ, du khách sẽ đến thị trấn Năm Căn. Đi thêm hơn 50km theo đường Hồ Chí Minh là tới xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Đến đây, du khách được tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như: Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ Âu Cơ…

Quần thể  Đền thờ Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ.
Quần thể  Đền thờ Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ.

Du khách hãy nghỉ lại một đêm trong các khu du lịch homestay gia đình. Để trải nghiệm và hiểu hơn về cuộc sống của người dân miền Tây, du khách có thể cùng với chủ nhà đổ lú, xổ vuông, mò vộp, bắt óc len, cắm cua... Du khách cũng không quên bỏ qua khoảnh khắc ngắm nhìn bình minh hay hoàng hôn trên bãi bồi. Đây là một khung cảnh tuyệt đẹp. Vị trí đẹp nhất để nhìn khung cảnh này là bờ kè chắn sóng trải dài uốn lượn, bao bọc khu rừng đước và phần đất phía trong Đất Mũi.

Ngắm bình minh trên bãi bồi Đất Mũi
Ngắm bình minh trên bãi bồi Đất Mũi

Du khách không phải lo vì nạn chặt chém chưa bao giờ xuất hiện ở đây. Lòng mến khách dễ thương của người dân Đất Mũi sẽ khiến bạn nao lòng. Hơn nữa, chính quyền và ngươi dân đều vì phát triển của du lịch. Hãy thử đi và cảm nhận!