Danh hiệu này được tranh giành rất quyết liệt giữa các đô thị ở châu Âu. Đi cùng với nó là những khoản tiền hỗ trợ lớn từ ngân quỹ của EU, chương trình đầu tư phát triển của chính phủ và địa phương cũng như không thể không kể đến tác dụng quảng bá danh tiếng và hình ảnh đô thị thông qua danh hiệu. Điều thú vị ở đây là cách thức ganh đua của đô thị này.
Leeuwarden có bề dày về truyền thống văn hóa và lịch sử. Nó đã từng là một hải cảng biển với mức độ giao thương sầm uất. Nhưng đó là quá khứ. Hiện tại, TP này có gần 110.000 dân nhưng phải đối mặt dai dẳng 3 thách thức lớn là thất nghiệp (cao gấp đôi mức độ thất nghiệp trung bình ở Hà Lan), nghèo và trình độ giáo dục, đào tạo của người dân đều thấp hơn mức trung bình trong đất nước. Leeuwarden đã sử dụng chính ba điểm yếu này của mình để ganh đua giành danh hiệu nói trên.
Thông điệp từ Leeuwarden là một TP nghèo và kém phát triển nhưng có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa vẫn có thể xứng đáng là Thủ đô văn hóa của châu Âu. Châu Âu không lựa chọn thủ đô của châu lục về phát triển mà thuần túy về văn hóa. Đô thị này tham gia đăng ký giành danh hiệu kia với một chương trình văn hóa duy nhất và cũng độc đáo chưa từng thấy là dựa hoàn toàn vào người dân. Người dân trong đô thị được kêu gọi đề xuất ý tưởng và nếu có ý tưởng thì tự tổ chức thực hiện với sự hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật của chính quyền. Chẳng hạn như có nghệ sĩ sẽ tạo dựng 11 giếng phun nước nổi tiếng nhất trên thế giới ở TP này. Một ý tưởng là tạo ra một con đường hình số 8 - để không bao giờ kết thúc - cho người dân đến thể hiện những câu chuyện của riêng mình bằng bức họa hoặc sắp đặt. Cái độc đáo ở đây là người dân thể hiện và gây dựng bản sắc riêng cho đô thị của mình.Leeuwarden thắng cuộc ganh đua nhờ cái sắp tới chứ không phải nhờ cái hiện tại.