Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lệnh trừng phạt mới của LHQ có tác dụng thế nào đến Triều Tiên?

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hợp quốc nhắm vào Triều Tiên dường như sẽ khó có khả năng làm chậm lại chương trình phát triển tên lửa.

Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí thông qua lệnh trừng phạt mới hồi nhắm vào nền kinh tế Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa tháng trước. Lệnh trừng phạt mới sẽ cắt giảm lượng dầu nhập khẩu vào Triều Tiên đến gần 90% từ tháng Một, cũng như kéo dài lệnh cấm vận chuyển hàng hóa, gia hạn cho các lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải trở về nước trong 24 tháng.
 
Việc cắt giảm sâu hơn sản lượng dầu sẽ tác động đến sự tồn vong của nhà nước Triều Tiên, Phó GS Paul Musgrave của ĐH Massachusetts cho hay. 
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc giục các nước gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, nhất là Trung Quốc - đối tác và đồng minh lớn nhất của Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt trước đó đã thất bại trong việc ngăn nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát triển chương trình hạt nhân và các chuyên gia cho rằng, nghị quyết mới nhất cũng không có tác dụng hơn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố đây là một “động thái chiến tranh” và thề sẽ đáp trả Mỹ và các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
Nghị quyết của LHQ cho biết, Bình Nhưỡng đang bán than đá và các hàng hoá bị cấm khác thông qua các con tàu “ma” và tiếp nhận nhiên liệu bằng cách trung chuyển giữa các tàu trên biển, tránh tiếp cận cơ sở hạ tầng trên bờ.
Theo tờ nhật báo Yomiuri của Nhật, Triều Tiên đã sử dụng các phương pháp này một cách thường xuyên hơn, sử dụng các tàu thuyền của nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Các tàu của Bắc Triều Tiên đã nhận được dầu lậu từ những chiếc tàu Trung Quốc trong vùng biển quốc tế khoảng 30 lần kể từ tháng 10, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, trích lời quan chức chính phủ Hàn Quốc và các nguồn quân sự của Mỹ.
Để giúp chấm dứt tình trạng này, LHQ cho rằng, các quốc gia có thể bắt giữ, kiểm tra hoặc tịch thu bất cứ tàu nào tại các cảng của nước đó nếu có cơ sở cho thấy con tàu đang được sử dụng để vận chuyển hàng cấm.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Zhao Tong, Trung tâm Chính sách Toàn cầu, Trung Quốc cho hay, các lệnh trừng phạt chỉ cho phép các quốc gia thành viên bắt giữ các tàu trong lãnh hải. Vì vậy, Mỹ không thể kiểm tra các tàu khả nghi hoạt động ở lãnh hải của Nga hoặc Trung Quốc.