Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên hoan Du lịch Làng nghề chính thức khai hội

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lúc 19 giờ 30 tối nay (29/9), Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 (Liên hoan) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam diễn ra từ ngày 29/9 - 2/10/2016.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu khai mạc Liên hoan.Ảnh: Hồng Hạnh.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2016). Tất cả được thể hiện nổi bật qua những nét độc đáo từ cổng chào, sân khấu đến các gian hàng trưng bày, trình diễn, bán các sản phẩm làng nghề cũng như hoạt động ẩm thực. Trong đó, đặc biệt phải kể đến không gian làng lụa Vạn Phúc với chiếc cổng làng được dựng giống nguyên mẫu.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
 Các đại biểu cắt băng khai mạc Liên hoan. Ảnh: Hồng Hạnh.
Với bề dày hơn ngàn năm văn hiến, truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có nhiều di sản văn hóa hấp dẫn, đặc biệt là hệ thống các làng nghề truyền thống đa dạng, phong phú, với 1.350 làng nghề trong đó 277 làng nghề truyền thống được công nhận, một số làng nghề tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái... Đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc cần tập trung đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng các đại biểu tham quan không gian trưng bày sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Hồng Hạnh.

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể để phát triển kinh tế-xã hội nói chung, du lịch nói riêng.

Đặc biệt, Nghị quyết số 06-NQ/TU về Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, TP đã có chủ trương lập và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

 Cổng chính được thiết kế và thi công theo kiến trúc đặc trưng cổng của làng nghề chất liệu tre trúc. Ảnh: Hồng Hạnh.

Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội là một trong chuỗi những sự kiện được tổ chức thường niên góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của Hà Nội, các tỉnh, TP và tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống găp gỡ, kết nối các DN du lịch, hình thành nên các tour, tuyến phù hợp nhằm củng cố, kết nối sự phát triển của du lịch với hoạt động bảo tồn văn hóa.

Liên hoan Du lịch làng nghề năm nay đã có sự đổi mới nhất định để theo kịp với sự vận động, phát triển và hướng đến nhu cầu khách du lịch. Đây là sản phẩm của sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và địa phương để cùng chung tay góp sức cho sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và sự phát triển kinh tế nói chung.

 Du khách tham quan không gian Liên hoan. Ảnh: Hồng Hạnh.

Với chủ đề “Hà Nội – Tinh hoa nghề truyền thống”, Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 được Ban tổ chức kỳ vọng sẽ là hoạt động văn hóa, du lịch góp phần giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh, TP trong cả nước.

Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng cho biết: “Liên hoan có sự tham gia của các làng nghề, nghệ nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ sỹ, thợ thủ công, các doanh nghiệp du lịch, cùng với những người yêu Hà Nội, tâm huyết với Thủ đô… giới thiệu những nét đẹp truyền thống tài hoa của con người Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến đến với nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Tại Liên hoan sẽ có các hoạt động thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đảm bảo an toàn, hiệu quả và tiết kiệm”.

 Từ chiều 29/9, đã có rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Liên hoan. Ảnh: Hồng Hạnh.

Không gian Liên hoan sẽ gồm các khu vực chính: Khu tái hiện không gian làng nghề sẽ tái hiện không gian làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng; Khu thao diễn tay nghề được chia làm 7 khu với sự tham gia của các nghệ nhân đến từ 7 làng nghề tiêu biểu; Khu triển lãm ảnh và tư liệu các làng nghề truyền thống; Khu không gian nghệ thuật sắp đặt từ các sản phẩm làng nghề, phố nghề.

Đặc biệt là Khu gian hàng với gần 250 gian hàng, bao gồm: Khu làng nghề và các doanh nghiệp nghề truyền thống của Hà Nội với 60 gian hàng của 40 đơn vị tham gia; Khu Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các tỉnh, TP gồm 40 gian hàng của 22 tỉnh thành trên cả nước về tham gia; Khu doanh nghiệp du lịch và các nhà tài trợ gồm 50 gian hàng của 32 đơn vị tham gia; Khu quảng bá du lịch Hà Nội với 5 gian hàng; Khu gian hàng Làng nghề cả nước với Hà Nội với 63 gian hàng dành cho các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và các doanh nghiệp đến từ các làng nghề, phố nghề của 11 tỉnh thành trên cả nước; Khu ẩm thực với 30 gian hàng.

 Liên hoan có nhiều sắp đặt gợi vẻ đẹp xưa cũ của Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạnh.

Liên hoan năm nay được giới chuyên môn đánh giá là tổ chức quy mô, bài bản hơn, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm cho người dân và du khách.

Bên cạnh hoạt động quảng bá làng nghề, các công ty du lịch sẽ giới thiệu đến du khách các chương trình gắn về làng nghề hấp dẫn, với mức giá giảm tới 30%. Khách tham quan cũng có thể tham gia các hoạt động bên lề như: Múa rối nước, rối cạn, thư pháp, ca trù, kéo co, cờ người… hay thưởng thức đặc sản 3 miền ở khu ẩm thực.

Ngay từ chiều 29/9 đã có rất nhiều người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Liên Hoan. Đây sẽ điểm đến lý tưởng để tìm hiểu nét đẹp, các giá trị cốt lõi của làng nghề truyền thống Hà Nội và Việt Nam dịp cuối tuần này.