"Hồi ức" (Remember) của đạo diễn Canada Atom Egoyan giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc (Christopher Plummer) và Phim dài xuất sắc nhất. Hai giải thưởng quan trọng khác là Đạo diễn xuất sắc và Nữ diễn viên chính xuất sắc thuộc về phim "Gia đình" của Philippines .
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và NSND Lan Hương trao giải thưởng cho “Trúng số” - phim được giải Phim dài dự thi yêu thích nhất. Ảnh: Nhật Vũ |
Nếu các năm trước, chất lượng phim ở mức không đồng đều và chưa có tác phẩm xứng tầm, thì năm nay, cả giới chuyên môn lẫn khán giả đều bị lay động trước "Hồi ức". Bộ phim đề tài tội ác chiến tranh có cách kể mới nhất, khai thác thân phận con người và tội ác ở góc độ sâu sắc hơn và có độ lùi thời gian: Zev Guttman là một ông già ở tuổi bát thập quyết tìm lại sĩ quan Đức quốc xã sát hại gia đình mình trong trại tập trung Do Thái. Trong LHP này, khán giả được thưởng thức Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc "Con trai của Saul", đề cập trực diện đến ký ức diệt chủng Do Thái kinh hoàng. Sức mạnh của "Hồi ức" không nằm ở những hình ảnh trực diện ấy, nhưng nó là sự cảnh báo toàn nhân loại về sự hiện diện của tội ác dù quá khứ lùi xa mấy chục năm.
"Gia đình" của đạo diễn trẻ Eduardo Roy Jr lại mang đến câu chuyện đầy ắp hơi thở cuộc sống đương đại Philippines , khán giả trong khu vực cũng dễ nhận ra hình ảnh của mình trong đó. Hai vợ chồng vị thành niên Janes và Aries vô gia cư, sống dựa vào đường phố, một ngày nọ đối mặt bi kịch cậu con trai chưa đầy tháng bị bắt cóc. Cặp ông bố, bà mẹ trẻ này không từ bỏ cơ hội nào để tìm con. Vai diễn bà mẹ trẻ mang lại cho nữ diễn viên Hasmine Killip giải "Nữ chính xuất sắc".
Những giải thưởng khác như Giải Netpac - Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á dành cho "Toa xe màu xanh" của Nga; hay Giải thưởng Ban Giám khảo dành cho "Ngày tươi đẹp" của Hàn Quốc nhận được sự đồng thuận cao. Đây cũng là 2 bộ phim khá mạnh, được đề cử trong hạng mục Phim dài xuất sắc. "Toa xe màu xanh" khai thác mối quan hệ gia đình, cha con phức tạp của một đạo diễn nổi tiếng. Bộ phim hướng tới câu chuyện, vấn đề toàn cầu và gây ấn tượng ở cách kể hấp dẫn. "Ngày tươi đẹp" cũng kể một câu chuyện có sức cảnh tỉnh với cách dẫn dắt sáng tạo.
Có một số người phàn nàn lễ khai mạc và bế mạc chưa được đầu tư xứng tầm. Nhưng kỳ thực một liên hoan được tổ chức nhiều hạng mục, hoạt động đồng hành như chiếu phim ngoài trời kết hợp trình diễn thời trang, chiếu phim miễn phí tại nhiều cụm rạp với mức kinh phí hạn chế, phải huy động từ các nhà tài trợ cũng là nỗ lực lớn của Ban tổ chức. Trong số chi phí này phải kể đến tiền bản quyền để đem được những tác phẩm hay, đỉnh cao về "chiêu đãi" khán giả. LHP thiết nghĩ nên lấy chất lượng phim làm trọng, còn những thứ khác có thể châm chước hoặc có cái nhìn khoan dung hơn. Lễ khai mạc, bế mạc do đạo diễn Hoàng Nhật Nam thực hiện, đưa hình ảnh cầu Long Biên lên sân khấu, được xem như biểu tượng kết nối lịch sử, văn hóa. Hình ảnh này cũng có thể xem mang tính biểu tượng cao, gắn với quảng bá hình ảnh Thủ đô.
Không kể phim Việt Nam trình chiếu tại liên hoan lần này, nhiều phim dự thi hoặc chùm phim của các nền điện ảnh khá mới lạ với người Việt như Philippines, Campuchia dần dần thu hút đông khán giả hơn. Phóng viên hầu như buổi xem phim dự thi nào cũng chạm mặt một nhóm khán giả ruột, có khi là đôi vợ chồng già, có nhóm hẳn hội gần chục người bạn hẹn hò nhau đi xem. Họ ăn chực nằm chờ quanh cụm rạp để chờ đến suất chiếu kế tiếp. Không in được lịch chiếu, có nữ khán giả ở tuổi hưu tỉ mẩn chép tay lịch chiếu của 5 ngày liên hoan để tiện bề theo dõi. Không riêng cảm tình với phim nước nhà, họ khen rất nhiều bộ phim nghệ thuật có thể không dễ tiếp cận với khán giả thông thường.
Cứ nhìn cảnh khán giả tấp nập xếp hàng vào xem phim, kể cả những suất chiếu muộn phần nào cảm nhận sự lan tỏa tình yêu điện ảnh ngày càng mạnh mẽ hơn. Khép lại 5 ngày LHP sôi động, ngập tràn không khí điện ảnh, nhiều người lại thầm đếm ngược để chờ kỳ liên hoan sắp tới với niềm hy vọng được "ăn phim, ngủ phim" như năm nay.
Phim Việt |