Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên Hợp quốc đạt được thỏa thuận khung về khí hậu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái ngược với dự đoán, Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp quốc 2014 ở Lima, Peru (COP-20) đã thông qua được một thỏa thuận khung mang tính đột phát về chống biển đổi khí hậu toàn cầu vào phút chót.

Trước đó, các cuộc đàm phán với sự tham gia của đại diện 190 quốc gia, vùng lãnh thổ kéo dài suốt 2 tuần đã lâm vào thế bế tắc do bất đồng giữa các quốc gia về đối tượng, quy mô cắt giảm lượng khí phát thải và trách nhiệm tài chính của mỗi nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 
Liên Hợp quốc đạt được thỏa thuận khung về khí hậu - Ảnh 1
Nhằm tránh cho COP-20 thoát khỏi nguy cơ bị đổ vỡ, các nhà tổ chức đã quyết định kéo dài hội nghị thêm 2 ngày. Với quỹ thời gian ít ỏi đó, các cuộc đàm phán con thoi đã được tiến hành với lịch trình được những người trong cuộc mô tả là “nghẹt thở”. Sự khác biệt trong quan điểm của các bên về cơ bản vẫn còn nhưng tất cả đều thống nhất được rằng, thay vì chỉ có các quốc gia phát triển phải giảm khí phát thải, đối tượng của Hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ bao gồm cả các nước đã và đang phát triển. Quy định chi tiết về trách nhiệm cụ thể của từng quốc gia sẽ được bàn thảo sau, dựa trên mức độ và quy mô kinh tế. 

Giống như các COP lần trước, bên cạnh các cuộc tranh cãi trên bàn đàm phán, bên ngoài phòng họp đã diễn ra các cuộc biểu tình nhằm phản đối các quốc gia có lượng khí phát thải lớn nhưng không chịu cắt giảm do các tổ chức phi chính phủ tổ chức. Vì vậy, không ngạc nhiên, khi kết thúc hội nghị, một số nước đã chủ động cam kết đóng góp cho Qũy khí hậu xanh số tiền lên đến 10,2 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. 

Dự kiến, thỏa thuận này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để bàn bạc và thông qua tại cuộc họp của Liên Hợp quốc về khí hậu được tổ chức tại Pháp vào cuối tháng 3/2015 nhằm thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.