Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên Hợp quốc lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Nguyễn Phương (Theo FoxNews)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp quốc, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ bứt tốc đáng kế trong năm 2017 và 2018 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng gần đây và sự phục hồi về thương mại và đầu tư.

Báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới của Liên Hợp quốc công bố ngày 16/5 cho biết, nhịp độ tăng trưởng của thế giới được dự đoán đạt 2,7% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018. Những chỉ số này đánh dấu một sự bứt tốc đáng kể so với mức tăng chỉ 2,3% trong năm 2016. 
Theo báo cáo, sản lượng công nghiệp thế giới trong những tháng qua đã phục hồi khiêm tốn, hoạt động thương mại toàn cầu cũng đi lên, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Đông Á tăng mạnh.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khởi sắc như kỳ vọng trong 6 tháng qua.

Đặc biệt, báo cáo này nêu rõ rằng các nền kinh tế phát triển và những nền kinh tế đang trên đà dịch chuyển tăng trưởng vững chắc hơn, với Đông và Nam Á tiếp tục duy trì vị thế là hai khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. 
 Tốc độ tăng trưởng của thế giới được dự đoán đạt 2,7% trong năm 2017. 
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng đà phục hồi kinh tế tại Nam Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đầu người đang chững lại, và thậm chí giảm tại một số vùng ở châu Phi.
Dự báo tăng trưởng GDP tại một số quốc gia thuộc nhóm nước kém phát triển nhất trên thế giới (LDC) cũng giảm so với dự báo hồi tháng 1/2017.

Tình hình lạm phát tại các nước phát triển đã đạt được bước ngoạt và nguy cơ giảm phát kéo dài đang dần tan biến. Trong khi đó, những áp lực lạm phát đã dịu xuống tại nhiều thị trường lớn mới nổi, từ đó cho phép lãi suất đi xuống.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tình hình bất ổn gia tăng liên quan tới chính sách quốc tế, vốn có nguy cơ gây cản trở cho sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư tư nhân trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, báo cáo còn ghi nhận những tín hiệu tích cực liên quan tới môi trường bền vững khi mức khí thải có carbon trên toàn cầu đã chững lại trong 3 năm liên tiếp, cùng với đó là sự phát triển của năng lượng tái tạo và những cải tiến trong hiệu quả năng lượng.
Trước thực trạng trên, báo cáo nhấn mạnh việc cần phải có những nỗ lực chính sách hơn nữa để có thể thúc đẩy một môi trường góp phần đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng kinh tế trung hạn, và giải quyết tình trạng đói nghèo thông qua các chính sách xóa bỏ bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội việc làm.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh việc phối kết hợp các chính sách ngắn hạn nhằm kích cầu tiêu dùng ở bộ phận người nghèo và các chính sách dài hạn, như cải thiện khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn.