Phấn khởi vì vừa xuất bán 1.800 con vịt thịt cho Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Thành với giá cao hơn giá thị trường 2.000 đồng/kg, ông Vương Văn Tư thôn Yên Nội, xã Đồng Quang phấn khởi cho biết: Tôi đã gắn bó với nghề nuôi vịt hơn 20 năm nay, cũng là chừng ấy thời gian phải vất vả, mất ăn, mất ngủ vì lo đầu ra cho sản phẩm. Đây là khâu quan trọng nhất nhưng luôn bị động trước khi phụ thuộc vào những diễn biến của thị trường. Theo chia sẻ của ông Quang, giá sản xuất của vịt thịt bình quân khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng có thời điểm thương lái ép giá vịt xuống 20.000 - 22.000 đồng/kg, khiến gia đình ông thua lỗ nặng.
Tuy nhiên nỗi lo này của ông đã được hóa giải nhờ tham gia vào mô hình liên kết chăn nuôi vịt thịt theo chuỗi thực phẩm sạch Organic Green. Tham gia vào chuỗi, gia đình ông được công ty cung cấp thức ăn hữu cơ cho vịt, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, giám sát chăn nuôi và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm.
So sánh đối chứng với mô hình chăn nuôi truyền thống, ông Tư cho biết: Hiệu quả kinh tế của mô hình chăn nuôi theo chuỗi cao hơn nhiều cách chăn truyền thống. Cụ thể, chi phí chăn nuôi mỗi con vịt giảm được 0,5kg cám, thời gian nuôi giảm 3 ngày. Trọng lượng bình quân mỗi con vịt chăn theo cách truyền thống là 2,25kg/con, nay tăng lên thành 2,28kg/con. Tuy nhiên, theo ông Thành, cái được nhất khi tham gia mô hình là đầu ra ổn định và tạo ra được sản phẩm an toàn sinh học.
Chủ tịch UBND xã Đồng Quang Vương Duy Hùng cho biết: Xã Đồng Quang hiện có 300ha vùng chuyển đổi, trong đó có 150ha nuôi trồng thủy sản, đây là tiềm năng lớn để nuôi vịt. Việc triển khai thành công mô hình điểm “Chăn nuôi vịt thịt theo chuỗi” đã mở ra hướng mới trong tiêu thụ ổn định mặt hàng gia cầm cho nông dân, nhất là thời điểm khó khăn như hiện nay, giúp nông dân an tâm trong sản xuất. Qua đó, giúp địa phương từng bước xây dựng chuỗi ngành hàng chăn nuôi bền vững – ông Hùng cho hay.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đánh giá: Thành công của mô hình chăn nuôi vịt thịt theo chuỗi ở Đồng Quang là viên gạch đầu tiên xây lên nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh, chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mang tính bền vững cao.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, thuận tiện truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi để ổn định đầu ra. Đây cũng là một hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp có thể cạnh tranh khi mở cánh cửa hội nhập thế giới, gần đây nhất là hiệp định vừa được ký kết.