Với năng suất và chất lượng vượt trội, bò 3B đang mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội. Dù vậy, để nâng cao hơn nữa giá trị cho ngành hàng này, vẫn cần thêm nhiều giải pháp.
Giá trị kinh tế caoTại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, gia đình anh Đỗ Văn Xuất là một trong những hộ đầu tiên tham gia nuôi bò 3B. Qua quá trình chăm sóc, anh Xuất nhận thấy bê con 3B phàm ăn, tăng trọng rất nhanh. Bình quân mỗi ngày bê con có thể tăng từ 0,9 - 1,2kg.
Không chỉ vậy, theo ước tính của anh Xuất, chi phí thức ăn để sản xuất ra 1kg thịt bò lai F1 giống 3B chỉ bằng xấp xỉ 60% so với bò lai Sind. Do đó, giá thành sản xuất bò 3B thấp hơn từ 28 - 30% giống bò lai Sind. Từ nuôi bò 3B, mỗi năm anh Xuất thu lãi không dưới 300 triệu đồng.Gia đình anh Xuất chỉ là một trong khoảng 50.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội đang được hưởng lợi kể từ khi dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò 3B trên nền đàn bò thịt lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt” được TP triển khai. Kết thúc năm 2017, dự án đã lai tạo thành công 68.724 bê lai F1 3B chất lượng cao. Giá trị sản phẩm do đàn bò F1 3B mang lại ước đạt trên 1.500 tỷ đồng. So với một số giống bò thịt khác, giá trị gia tăng từ nuôi bò 3B đạt trên 600 tỷ đồng.Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, bên cạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, việc phát triển đàn bò 3B còn góp phần nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thịt bò trong nước. Không chỉ vậy, việc nhập nội giống bò đực 3B thuần chủng, chăm sóc, nuôi dưỡng và sản xuất thành công tinh bò giúp công tác lai tạo giống bò 3B trên cả nước tiết kiệm được đến 70% chi phí so với khi sử dụng tinh bò 3B nhập khẩu.
Xây dựng vành đai thực phẩm sạchMang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, việc phát triển đàn bò 3B tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn đó không ít khó khăn. Cụ thể, dự án nêu trên dù đã được mở rộng ra địa bàn 16 huyện trên địa bàn TP, tuy nhiên, số lượng bò được tham gia dự án khá khiêm tốn khi mới đạt khoảng 30.000 con. Thêm vào đó, số lượng các cửa hàng hiện đang bán sản phẩm thịt bò 3B còn khá ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiếp cận, tiêu dùng của người dân Thủ đô. Việc bán sản phẩm bê giống sau cai sữa còn phổ biến cũng khiến giá trị kinh tế từ chăn nuôi bò 3B suy giảm…Với những giá trị rõ rệt, chăn nuôi bò 3B đang thực sự trở thành hướng thoát nghèo bền vững cho hàng ngàn hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của bò 3B, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành công tác giám định, bình tuyển, chọn lựa đàn bò cái nền thay đàn. Xây dựng mô hình trang trại mẫu chăn nuôi bò 3B làm cơ sở nhân rộng. Đồng thời, phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò 3B. Cùng với đó là tập trung tiêu thụ sản phẩm bê F1 3B cho hộ chăn nuôi, thông qua xây dựng các trang trại thu mua bê F1 3B sau cai sữa của nông dân để nuôi gột, vỗ béo.Theo ông Đăng, điều này không chỉ giúp giải quyết căn bản đầu ra cho sản phẩm bê F1 3B cho nông dân, mà còn tạo ra vùng nguyên liệu tập trung phục vụ giết mổ gia súc công nghiệp. Song song với sớm hoàn thiện việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bò 3B, Hà Nội cũng sẽ tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh lân cận trong chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò 3B, hướng tới xây dựng vành đai cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho Thủ đô.
“Cùng với việc tiếp tục nhân rộng vùng sản xuất bò 3B, Hà Nội cần sớm hoàn tất việc xây dựng thương hiệu gắn với tuyên truyền quảng bá, đồng thời phát triển nhiều hơn các chuỗi cung ứng sản phẩm thịt bò 3B để người tiêu dùng Thủ đô có điều kiện tiếp cận…”. - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải |