Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết trong kinh doanh bất động sản: “Liều thuốc” vượt khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trước sự "đóng băng" của thị trường bất động sản (BĐS), nhiều doanh nghiệp đã tính tới kế hoạch liên doanh, liên kết hoặc hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) để cùng nhau vượt qua khó khăn.

M&A “vào mùa”

Theo các chuyên gia, xu hướng các doanh nghiệp (DN) BĐS hợp sức, cùng nhau vượt khó đang khá phổ biến và trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay. Thế nên, thời gian gần đây, hoạt động M&A diễn ra khá "sôi động". Thương vụ đình đám nhất, là Công ty Điện tử Hanel mua lại 70% vốn góp của đối tác Hàn Quốc (Daewoo E&C) trong Khách sạn Daewoo hay thương vụ trị giá 43 triệu USD của Công ty Quản lý quỹ VinaCapital mua lại 70% cổ phần của khách sạn Hilton Hà Nội Opera vừa diễn ra…

Đối với hình thức liên kết, hiện đã có một số Sàn giao dịch BĐS thực hiện, như Maxland, liên minh với Sudico và DTJ… Đáng nói, không chỉ mạng Sàn giao dịch BĐS liên kết với nhau mà ngay cả các "ông lớn" trong lĩnh vực xây dựng cũng bắt tay hợp tác. Đơn cử, Công ty CP Coninco Đầu tư BĐS và Tư vấn xây dựng đã liên kết với Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), tham gia tư vấn xây dựng cho dự án Splendora, liên kết với Công ty CP xây dựng Hải Phát và Vinaconex 2 tham gia xây dựng Dự án Golden Silk và dự án nhà ở Quang Minh… Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Coninco Đầu tư BĐS và Tư vấn xây dựng Ngô Hoàng Nguyên cho biết: "Xu hướng các doanh nghiệp M&A hoặc liên kết với nhau không chỉ mới xuất hiện mà đã có từ trước đó. Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS mang tính đặc thù, liên quan tới nhà thầu, chủ đầu tư và cả ngân hàng, do đó, diễn tiến của quá trình này phải diễn ra thận trọng.

Theo bộ phận nghiên cứu khả thi của Công ty Savills Vietnam, xu hướng liên kết hoặc M&A ngày càng phổ biến do trên thị trường đang có sự mất cân bằng giữa người mua và người bán. Một thống kê của Savills cho thấy, cứ 10 đối tác có nhu cầu về M&A, có tới 9 trường hợp là chuyển nhượng dự án, do các DN tham gia thị trường BĐS một cách tràn lan ở mọi thành phần kinh tế.

Vẫn còn những rào cản

Liên kết trong kinh doanh bất động sản: “Liều thuốc” vượt khó - Ảnh 1

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, các nhà đầu tư bất động sản đang tính tới việc sáp nhập hoặc liên doanh, liên kết. Ảnh: Việt Linh

Theo các chuyên gia, DN liên kết hoặc M&A trên thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ là xu hướng tất yếu. Những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây chỉ là giai đoạn khởi đầu của hình thức liên kết và được coi như một chiêu PR dự án giữa lúc thị trường đang "đóng băng". Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House, thời điểm này DN BĐS phải tự cứu mình bằng cách liên doanh, liên kết với nhiều đối tác, không thể chờ vào "liều thuốc" thần kỳ như vay được vốn ngân hàng, huy động nhiều tiền từ khách hàng hay đợi lạm phát giảm xuống dưới 10%.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt - Đức, hiện nay, rất nhiều DN phá sản một phần do hạch toán kinh doanh theo kiểu truyền thống, bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Trong khi nhiều DN không "chết", vì đã chọn đúng thời điểm tái cấu trúc lại bằng cách liên doanh, liên kết với những DN mạnh. "Thời điểm khó khăn nhất cũng là lúc "thanh lọc" doanh nghiệp khắc nghiệt nhất, do đó, doanh nghiệp nào biết chớp cơ hội và có chiến lược dài hạn, sẽ vượt qua khó khăn" - ông Điệp đánh giá.

Bên cạnh những điểm tích cực nói trên, vẫn còn tồn tại những điểm bất cập, đặc biệt với các thỏa thuận M&A hoặc liên minh, liên kết hiện nay còn chưa cao và phải đối mặt với nhiều rào cản. Như hành lang pháp lý và cơ chế pháp lý đối với dự án BĐS rất phức tạp; thông tin các dự án chưa minh bạch. Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện thành công một thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS, khâu thẩm định pháp lý dự án được xem là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại của giao dịch. Tuy nhiên, có nhiều thương vụ M&A được các đối tác nước ngoài đồng ý thực hiện, nhưng cuối cùng phải hủy bỏ vì vướng ở khâu thẩm định pháp lý.

Xu hướng M&A, tái cấu trúc, liên minh, liên kết... là những cụm từ phổ biến, sẽ được sử dụng nhiều với các DN BĐS nhằm tiết kiệm chi phí, hạ giá thành cũng như giúp nhau sản xuất kinh doanh tốt hơn.

Ông Ngô Hoàng Nguyên

Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Coninco Đầu tư BĐS và tư vấn xây dựng