Đó là ý kiến của các chuyên gia tại diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phối hợp với Tổng cục Du lịch vừa tổ chức.
Năm 2022, ngành du lịch đặt kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trong 7 tháng qua mới chỉ đón được 900.000 lượt. Để đạt được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần phát triển sản phẩm theo hướng bền vững dựa vào lịch sử và cộng đồng theo nhu cầu khách; Tăng cường kết nối, hợp tác trong phát triển sản phẩm; sáng tạo trong phát triển nội dung, chú trọng yếu tố khác biệt.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nêu rõ, để tiếp cận tới 70% khách hàng tìm kiếm thông tin trước khi đi du lịch, cần tận dụng tối đa hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thống, đồng thời chuyển dần sang xu thế mới là ứng dụng chuyển đổi số đưa sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng một cách trực tiếp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài đánh giá, du lịch Việt Nam nếu chưa phục hồi thị trường quốc tế thì chưa hồi phục hoàn toàn. “Để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022, đòi hỏi ngành du lịch cần có kế hoạch tập trung đẩy mạnh các chương trình, sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu du lịch nước ta tại những thị trường du lịch quốc tế có tiềm năng như Mỹ, Ấn Độ, Australia, ASEAN…” - ông Võ Anh Tài kiến nghị.
Trước ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế trong những tháng cuối năm 2022, ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; sinh thái và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…
Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại làm việc; Tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng, đào tạo lại nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ du khách; Cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến để thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam…
“Chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu đó, chính là thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp và địa phương nhằm phát huy thế mạnh mỗi bên…, tạo sức mạnh tổng lực cho toàn ngành, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt với khu vực và quốc tế” - ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng lưu ý, các doanh nghiệp lữ hành phải là nơi liên kết giữa nhu cầu với điểm đến, thông qua hình thức kết nối nhiều điểm đến từ đó tạo ra các tour tuyến mới phục vụ nhu cầu đã và đang thay đổi của khách quốc tế.
“Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thu hút du khách quốc tế, thời gian tới Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục thực hiện đề xuất với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các cơ sở pháp lý về du lịch cho phù hợp với quá trình vận động và phát triển của ngành; hoàn thiện cho được quy hoạch về du lịch, điểm đến khu du lịch tại các địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin.