Thêm các tour du lịch liên tuyến thu hút khách
Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn du thuyền cao cấp châu Á (APC) ra mắt dòng sản phẩm phục vụ khách trong ngày có lịch trình kết nối từ Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh).
Với sản phẩm này, khách đi từ Hà Nội có thể đến Hạ Long trải nghiệm trọn gói 1 ngày với các dịch vụ tham quan vịnh, thưởng thức ẩm thực… sau đó quay trở về Hà Nội.
Cũng với mục đích tạo thêm sản phẩm du lịch liên kết mới cho Hà Nội, mới đây Công ty SGO Travel đã đưa ra sản phẩm du lịch văn hóa kết nối từ Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đi Bắc Giang, qua đó thu hút được lượng lớn du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, năm 2023, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, TP phía Bắc đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm như Hà Nội - Bắc Giang; Hà Nội - Ninh Bình; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Nam Định…
Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch caravan cũng được đẩy mạnh xây dựng như tuyến từ Hà Nội đi Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái…
Tương tự, sau khi TP Hồ Chí Minh ký biên bản hợp tác với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng 50 chương trình du lịch kích cầu trao đổi khách 2 chiều tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường du khách giữa các vùng.
Phân tích những điểm mạnh trong việc liên kết vùng phát triển du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nêu rõ, liên kết vùng đã tạo thành thế mạnh nổi trội, đặc sắc trao đổi khách du lịch giữa các vùng. Đây là cách làm hiệu quả để ngành công nghiệp không khói phục hồi và phát triển.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của APC Đoàn Ngọc Bảo cho biết, sản phẩm du thuyền Hà Nội - Hạ Long được kỳ vọng như “đòn bẩy” để gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
“Việc ra mắt dòng sản phẩm này có thể tạo thêm tuyến du lịch trải nghiệm Hà Nội - Hạ Long trong ngày, giữ chân du khách thêm thời gian lưu trú khi đến Hà Nội” - ông Bảo chia sẻ.
Thực tế cho thấy, việc liên kết giữa các tỉnh, TP, vùng, miền đã trở thành đòn bẩy thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, trong quý I/2024, ngành du lịch đã đón 4,6 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có tổng lượng khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 1,2 triệu lượt, bằng 150% so với cùng kỳ năm 2024. Xếp thứ hai là Trung Quốc với gần 890.000 lượt, gấp 6,4 lần so với cùng kỳ 2023.
Cần "nhạc trưởng" điều phối chung
Mặc dù ngành du lịch đang có sự bứt tốc mạnh mẽ thông qua việc xây dựng mối liên kết, nhưng theo các chuyên gia du lịch, hoạt động này vẫn mang tình lỏng lẻo nên không ít sản phẩm không duy trì được tính ổn định lâu dài.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Lê Bá Dũng cho rằng, thông qua liên kết vùng các doanh nghiệp đã xây dựng tour mới nhưng không ít sản phẩm hình thành vội vàng nên chưa đánh giá được sát thị hiếu của du khách.
“Nhiều sản phẩm chỉ thay đổi hình thức tổ chức nhưng chất lượng dịch vụ tại điểm đến, đội ngũ hướng dẫn viên không thay đổi nên khách chỉ trải nghiệm một lần và không quay trở lại” - ông Dũng phản ánh.
Nhìn nhận về sự liên kết vùng trong hoạt động du lịch còn lỏng lẻo, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội TS Bùi Hoài Sơn thông tin, hiện quy hoạch liên kết giữa các vùng, địa phương trong phát triển du lịch còn thiên về định hướng không gian địa lý hoặc vùng kinh tế, chưa dựa vào vùng du lịch dẫn đến chưa tạo ra sản phẩm đặc thù.
“Nếu như ở Cần Thơ có mô hình “cá lóc bay” thì Ðồng Tháp cũng có, Bến Tre có mô hình trò chơi miệt vườn thì Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau cũng có... Ðiều này khiến du khách dễ có tâm lý đi một nơi đã biết hết”- ông Sơn nêu ví dụ.
Phân tích nguyên nhân khiến hoạt động liên kết vùng phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ TS Trần Du Lịch thông tin, nguyên nhân là do hiện vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng cũng như mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng phát triển du lịch thật sự hiệu quả.
“Các liên kết vừa qua mới chủ yếu thông qua ký kết các chương trình hợp tác, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lí, nên hiệu quả chưa cao” - ông Lịch nêu rõ.
Để khắc phục điểm yếu này, các chuyên gia kiến nghị ngành du lịch cần một “nhạc trưởng” điều phối chung cho cả vùng. Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình đề xuất, thời gian tới cơ quan quản lý nên xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch, tạo nguồn lực vật chất đầu tư, phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực du lịch vùng.
Đồng thời, xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trên cơ sở gắn bó lợi ích thiết thực của các chủ thể liên quan (tổ chức, doanh nghiệp, người dân...) với lợi ích chung của ngành.
Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học KHXHNV (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS.TS Phạm Hồng Long hiến kế, thời gian tới các địa phương kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour… từ đó hình thành các “cụm ngành du lịch”. Bên cạnh đó, cần có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm.
“Các địa phương cần quy hoạch lại sản phẩm du lịch thế mạnh, từ đó xây dựng chuỗi liên kết theo từng sản phẩm cụ thể, tránh dàn trải, lặp lại” - ông Long nhấn mạnh.
Có lẽ, đã đến lúc du lịch từng vùng, miền phải ngồi lại một lần nữa, dưới sự cầm trịch của một “nhạc trưởng” đủ sức điều phối các mối quan hệ mà mọi nhà đều được lợi, không phải lo xảy ra chuyện xé rào, mạnh ai nấy làm.