Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Hà Nội đón 1,4 triệu lượt khách quốc tế trong quý I/2024

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/3, Sở Du lịch Hà Nội thông tin, trong tháng 3/2024 ngành du lịch Hà Nội đã đón được 2,26 triệu lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 468.000 lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng khách du lịch nội địa đạt 1,798 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.  Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.740 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng du khách tăng cao kéo theo trong 3 tháng đầu năm 2024, du lịch Hà Nội đón 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, du khách nội địa đạt 5,14 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Lượng khách tăng cao kéo theo công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trong tháng 3/2024 đạt 64,4%, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chúng trong quý I/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 62,1%, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023.

Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, tính đến tháng 3/2024, trên địa bàn Hà Nội hiện có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở này đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện chương trình để kích cầu và phát triển du lịch bền vững. Trong đó, trọng tâm sẽ thực hiện nhiệm vụ phát triển du lich nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên phát triển 2-3 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn… theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Di tích văn hóa huyện Thường Tín thu hút du khách quốc tế tham quan. Ảnh: Hoài Nam
Di tích văn hóa huyện Thường Tín thu hút du khách quốc tế tham quan. Ảnh: Hoài Nam

Đồng thời, tổ chức các sự kiện, chương trình, lễ hội quảng bá du lịch Thủ đô. Cụ thể tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức với chủ đề: “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội”; Lễ công bố sản phẩm “Du lịch cộng đồng bản Miền” của xã Ba Vì, huyện Ba Vì.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì. 

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Thành cổ Sơn Tây, hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng... Ngoài ra 

du lịch Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau. Cụ thể tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu...