Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số, tạo cú hích cho ngành du lịch hút khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia kinh tế, ngành du lịch muốn thu hút du khách bên cạnh việc xây dựng tour, tuyến mới còn đòi hỏi phải đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, thông tin điểm đến tới khách du lịch.

Số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hoá

Khảo sát mới đây của Vietnam Report thực hiện cho thấy, kênh đặt dịch vụ được phần lớn du khách lựa chọn qua ứng dụng du lịch như Traveloka, Booking.com… (78,5%). Tiếp đó là qua website của công ty du lịch (56,9%), rồi mới đến đặt trực tiếp tại văn phòng của đại lý (36,9%). Giám đốc Traveloka Việt Nam Huỳnh Thị Mai Thy chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh sẽ nâng tầm thương hiệu, tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.

Thông tin về việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị đã thực hiện số hoá 40 hạng mục của di tích thành các QR code cho khách tham quan tìm hiểu.

Khách du lịch quốc tế tham quan di tích văn hóa tại huyện Thường Tín. ẢNh: Hoài Nam
Khách du lịch quốc tế tham quan di tích văn hóa tại huyện Thường Tín. ẢNh: Hoài Nam

Ngoài ra còn triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. “Việc chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng để đơn vị liên kết với doanh nghiệp du lịch xây dựng tour thu hút du khách đến với Hà Nội”-ông Kiên nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu chia sẻ, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện thực hóa nội dung chỉ đạo của Thành ủy, đơn vị đã từng bước hoàn thiện hạ tầng Internet phục vụ các ứng dụng trong du lịch thông minh. Đến nay Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Nhờ đó nhiều di tích, điểm du lịch như Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, làng nghề gốm sứ Bát Tràng… đã triển khai bán vé điện tử, thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn.

Khách du lịch sử dụng vé điện tử tại Văn Miếu. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch sử dụng vé điện tử tại Văn Miếu. Ảnh: Hoài Nam

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện nhiều địa phương trên cả nước đã đồng loạt triển khai và áp dụng nhiều ứng dụng chuyển đổi số. Điển hình là TP Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch; cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map…

Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi số ngành du lịch thông qua việc sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore) góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến văn hóa đầy tích cực.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp lữ hành cũng linh hoạt áp dụng công nghệ để cung cấp những trải nghiệm du lịch tiện lợi. Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, Tổng Giám đốc công ty CP Công nghệ du lịch Gotadi Ngô Minh Đức cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tinh giảm được nhân sự, đem lại trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng, đặc biệt giúp du khách tiết kiệm khoảng 20% chi phí.

Hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh

Mặc dù việc số hóa ngành du lịch sẽ tạo thuận lợi cho du khách, nhưng để thực hiện hoạt động này không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, văn bản pháp luật chưa nêu rõ cơ chế thu hút doanh nghiệp chuyển đổi số và tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai hoạt động này.

Du khách trải nghiệm các điểm đến du lịch Hà Nội trên không gian số. Ảnh: Hoài Nam
Du khách trải nghiệm các điểm đến du lịch Hà Nội trên không gian số. Ảnh: Hoài Nam

Nhìn nhận việc số hóa, các doanh nghiệp du lịch cho rằng hoạt động này sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh nên không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, để việc chuyển đổi số du lịch đạt hiệu quả, cơ quan quản lý cần định hướng xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất trên toàn quốc. “Mặc dù website quốc gia và ứng dụng quốc gia về du lịch sẽ cung cấp thông tin du lịch cho du khách, nhưng không thể thay thế website địa phương về du lịch. Để trở thành website mang tầm quốc gia đòi hỏi ngành du lịch cần huy động sự tham gia rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho website cũng như ứng dụng quốc gia về du lịch”-ông Bình hiến kế.

Văn Miếu-Quốc Từ Giám đưa ứng dụng vé điện tử  vào phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Nam
Văn Miếu-Quốc Từ Giám đưa ứng dụng vé điện tử  vào phục vụ du khách. Ảnh: Hoài Nam

Nói về việc cần thiết chuyển đổi số ngành du lịch, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nêu rõ, du khách trước hành trình du lịch thường bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin điểm đến, vì vậy việc xây dựng, vận hành website mang tầm quốc gia cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách tất cả các vấn đề liên quan một cách chuyên nghiệp là cần thiết. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần xây dựng kế hoạch hành động số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hoá.

“Thời gian tới Cục Du lịch Quốc gia nên đẩy mạnh đầu tư vào việc thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một website và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp mang lại nhiều hữu ích cho du khách. Du lịch Việt Nam nên học tập mô hình Thái Lan đã có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp với 17 ngôn ngữ khác nhau”- ông Nguyễn Huy Dũng đề xuất.

Được biết, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh. Từ đó phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, năm 2024 đơn vị sẽ tập trung số hóa dữ liệu về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ. Bên cạnh đó,  xây dựng hệ thống bản đồ số du lịch thông minh TP Hà Nội, đồng thời duy trì, cập nhật dữ liệu phần mềm cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá hình ảnh du dịch Thủ đô tới du khách.