70 năm giải phóng Thủ đô

Liên tiếp các vụ học sinh bị thương tích và ngộ độc tại trường học: Bất cẩn và thiếu kỹ năng sống

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị thương tích, ngộ độc trong các trường học tại nhiều địa phương do sự bất cẩn của giáo viên. Những vụ việc này là hồi chuông cảnh báo vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học.

Tai nạn đáng tiếc
Mới đây, ngày 4/3, 44 học sinh trường Tiểu học Bắc An (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) đã phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc bột thông bồn cầu. Theo thông tin ban đầu, một cô giáo trong trường đã mua 4 gói hóa chất thông tắc bồn cầu dạng viên để dưới gầm cầu thang trong trường. Tưởng nhầm là kẹo, một học sinh lớp 5 đã lấy ăn và chia cho nhiều học sinh khác cùng ăn. Vì sự bất cẩn của giáo viên này, 44 học sinh đã phải nhập viện, 32 em phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để theo dõi. Rất may, do được cấp cứu kịp thời và sự phối hợp chuyên môn với Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi T.Ư, các em đã dần ổn định sức khỏe.
 Học sinh bị ngộ độc do ăn phải chất bột thông bồn cầu tại Hải Dương. Ảnh:  Tiến Thắng
2 ngày trước đó, trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội thi nấu ăn tại trường. Mặc dù nhà trường quy định học sinh chuẩn bị thức ăn ở nhà và mang đến trường trang trí, song một nhóm học sinh vẫn mang bếp gas mini đến trường để nấu ăn. Không kiểm soát chặt điều này, một học sinh đã bị bỏng do bình gas mini phát nổ. Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Công Trứ Phạm Thị Thu Hồng thừa nhận, nếu nhà trường kiểm soát chặt chẽ hơn chắc chắn sự việc đáng tiếc này đã không xảy ra.
Giữa tháng 1/2019, gần 90 em học sinh trường Tiểu học Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng phải nhập viện sau khi tham gia chương trình súc miệng bằng dung dịch fluor phòng ngừa sâu răng do nhà trường tổ chức.
Sự việc đã được làm rõ, trong ngày thực hiện chương trình, cán bộ y tế trường học nghỉ nhưng lại bàn giao cho một cán bộ khác chưa được tập huấn. 2 cán bộ y tế khác của Trung tâm y tế huyện Trần Văn Thời cũng bị kỷ luật do xử lý ngộ độc sai quy trình và thiếu trách nhiệm trong công việc. Nguyên nhân được xác định do học sinh súc miệng bằng dung dịch fluor không đúng cách nên bị tác dụng phụ gây khó chịu, đau bụng, nôn ói.
Trước đó, đã có những trường hợp học sinh bị bỏng trong tiết học thí nghiệm, bị thương do trần lớp học rơi xuống, bị ngã từ trên cao do hành lang ban công của trường xuống cấp… Những sự việc trên xảy ra không thể không nhắc đến trách nhiệm của phía nhà trường.
Trang bị kỹ năng cho trẻ
Lứa tuổi học sinh thường hiếu động, tò mò, chưa ý thức được sự nguy hiểm nên chỉ cần một chút bất cẩn của các giáo viên, nhà trường sẽ dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Cô giáo Nguyễn Hương Mai - giáo viên trường THCS Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) từng nhiều năm đảm nhiệm vị trí Tổng phụ trách chia sẻ, những vụ việc xảy ra một phần do sự bất cẩn của giáo viên, một phần do chính ý thức và nhận thức của học sinh.
Trong vụ việc học sinh ăn phải hóa chất thông cống, việc cô giáo để hóa chất nguy hiểm trong gầm cầu thang là sai, song học sinh lớp 5 tối thiểu phải đọc được chữ ghi bên ngoài vỏ và phân biệt được cái gì nên ăn và không nên ăn.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học thường xuyên được Sở GD&ĐT Hà Nội quán triệt đến từng nhà trường từ cấp mầm non đến THPT. Không ai có thể cấm trẻ chạy nhảy, vui chơi, khám phá thế giới xung quanh. Do vậy, nhà trường cần chủ động trang bị cho trẻ các kỹ năng, kiến thức về phòng chống tai nạn, thương tích, vui chơi an toàn, lồng ghép vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, nhà trường cần tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để phối hợp với nhà trường giáo dục, trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích.
Sở GD&ĐT yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường phải quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong quản lý trẻ, học sinh, bảo đảm an toàn trong môi trường học đường.

Theo một chuyên gia tâm lý giáo dục, lứa tuổi học sinh thường hiếu động, nghịch ngợm và chưa đủ kiến thức, kỹ năng để phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Các tai nạn học sinh thường gặp phải là bị bỏng, đuối nước, điện giật, bị ngã, ngộ độc…Vì vậy, ngoài việc dạy cho trẻ kiến thức, kỹ năng phòng tránh thì việc đầu tiên là các trường phải đảm bảo cơ sở vật chất không có nguy cơ gây ra tai nạn. 


Đến chiều 5/3, sức khỏe các em trong vụ việc ăn nhầm hóa chất thông cống ở Hải Dương đã tạm ổn định. Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Lúy nhận định, cơ bản các em học sinh đã ổn định và sẽ ra viện sớm.