Ngài Mr. Federic Alliod và đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ về cách tìm nguồn vốn đầu tư cho dự án điện ảnh. (Ảnh tại buổi tọa đàm tối 11/8). |
Phim hay không gắn mác “made in Vietnam”
Còn nhớ, rất nhiều bộ phim đình đám tại các LHP phim Cannes, Liên hoan phim Berlin do các đạo diễn người Việt sản xuất, sử dụng bối cảnh, diễn viên ở Việt Nam, nhưng vẫn không được tính là tác phẩm nghệ thuật thứ 7 đến từ mảnh đất hình chữ S. Đạo diễn Phan Đăng Di với bộ phim “Cha, con và…” được phát hành tại Pháp, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc). Riêng tại Pháp, phim bán được 50.000 vé, trụ rạp 3 tháng. Nhưng bộ phim này sử dụng nguồn vốn đầu tư từ quỹ hỗ trợ điện ảnh của Pháp nên cũng chỉ được coi là bộ phim của Việt kiều. Trước đó, bộ phim “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di giành giải Dự án châu Á nổi bật tại LHP Quốc tế Pusan 2007, được lựa chọn tham dự hoạt động L'Atelier của Quỹ điện ảnh (Cinefondation) do LHP Cannes tổ chức, “Bi, đừng sợ” là ví dụ điển hình nhất của một bộ phim độc lập - tìm kiếm nguồn kinh phí thực hiện từ khắp các nhà tài trợ của các quỹ điện ảnh nước ngoài.
Không ít chuyên gia nhìn nhận: Trong khi cơ chế đặt hàng các tác phẩm điện ảnh của Nhà nước bị siết chặt, sự ra đời các quỹ hỗ trợ điện ảnh ở Việt Nam là cần thiết để “cứu” dòng phim nghệ thuật. |
Đạo diễn Lương Đình Dũng – từng gây tiếng vang với tác phẩm điện ảnh “Cha cõng con” cũng chia sẻ, để có 60 tỷ đồng đầu tư cho dự án phim về đề tài ấu dâm – “578”, anh đã phải kêu gọi nguồn vốn cộng đồng. Bệ đỡ cho điện ảnh thăng hoaĐầu tháng 8/2018, những người làm điện ảnh Việt háo hức trước thông tin về sự ra đời của Quỹ Đầu tư giải trí Việt Nam (VEF). Đây là dạng quỹ đầu tư về giải trí mở, hoạt động theo mô hình Công ty Holdings (sở hữu cổ phần trong các công ty khác) đầu tiên tại Việt Nam với số vốn ban đầu khoảng 1.150 tỷ đồng. Đây là mô hình đã triển khai từ lâu và thành công ở nhiều nước có ngành công nghiệp phim phát triển của thế giới như Quỹ Hoạt hình CA-Cygames, Quỹ Marvel Studio, Quỹ Anime Trung Quốc - Nhật Bản...
VEF sẽ có các chuyên gia đánh giá phim như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Lê Thanh Phong và Nguyễn Cao Tùng. Mục tiêu của quỹ là mỗi năm tham gia góp vốn cho khoảng 20 dự án phim điện ảnh. Thực tế, thời gian gần đây, tại Việt Nam đã có quỹ được lập để hỗ trợ cho các nhà làm phim như Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trẻ TPD (dành cho những bạn trẻ đam mê làm phim). Hội đồng bảo trợ của quỹ đều là những tên tuổi như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phan Huyền Thư… Hàng tuần, đơn vị lập quỹ đều tổ chức các sự kiện chiếu phim để gây quỹ.Cũng tại buổi tọa đàm tối 11/8, đạo diễn Lương Đình Dũng bật mí, cùng thời gian ra mắt bộ phim hành động “578”, anh cùng một số nhà đầu tư sẽ cho ra mắt “Quỹ hình ảnh Việt Nam”. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, “Quỹ hình ảnh Việt Nam” sẽ tập trung vào mục tiêu “tất cả mọi người đều được quyền xem phim trên màn hình ảnh rộng dù ở bất cứ nơi đâu…”.
Ban đầu Quỹ tập trung mở các khóa đào tạo điện ảnh cho tất cả học sinh trên toàn quốc, với mong muốn hình ảnh Việt Nam sẽ được xuất hiện nhiều, đa dạng và đáp ứng yêu cầu nghệ thuật. Với sự ra đời của các quỹ hỗ trợ cho điện ảnh Việt, những người yêu bộ môn nghệ thuật thứ 7 có hy vọng, dòng phim nghệ thuật sẽ có bệ đỡ mới để thăng hoa.