Trong khi các thị trường toàn cầu hồi phục trước thông tin trên thì dư luận Síp lại dậy sóng bởi với họ, thỏa thuận giải cứu này thực ra là một cách thức "ăn cắp" tiền tiết kiệm của người dân.
Theo thỏa thuận, để nhận được 10 tỷ Euro từ Ngân hàng T.Ư châu Âu vào tháng 5 tới, Laika - ngân hàng lớn thứ 2 của Síp sẽ bị tái cơ cấu, chuyển toàn bộ các khoản tiền gửi dưới 100.000 Euro sang Ngân hàng Síp - định chế tài chính lớn nhất đảo quốc này.
Tổng thống Nicos Anastasiades họp với lãnh đạo các đảng và Thống đốc Ngân hàng T.Ư Síp bàn giải pháp ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, Ngân hàng Síp sẽ áp dụng chính sách cắt giảm, thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần, đối với mọi khoản tiền gửi trên 100.000 Euro, vốn không được đảm bảo theo luật pháp EU. Theo luật mới, người gửi tiền ở 2 ngân hàng lớn nhất của đảo quốc này có thể bị áp thuế lên tới 40% cho các khoản tiền gửi trên 100.000 Euro.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã có phản ứng tích cực sau hơn 10 ngày Síp và Eurozone nằm trong tình trạng bất ổn và căng thẳng. Chiều 25/3, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã tăng 0,9% từ mức thấp nhất 7 tháng lên 135,52 điểm.
Trong khi đó, nhu cầu về Euro đã tăng trở lại nhờ các nhà đầu tư tin rằng tình hình tại Síp sẽ được khống chế và giúp tỷ giá của đồng tiền này tăng lên so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt khác.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận này chắc chắn sẽ chưa thể chấm dứt hoàn toàn triệu chứng vừa xuất hiện tại Síp và căn bệnh nợ công của châu Âu.
Về lâu dài, Chính phủ nước này sẽ phải trả giá cho giải pháp này do những người gửi tiền không còn tin tưởng vào chính quyền và ngân hàng nữa. Nhiều người thậm chí đã khẳng định sẽ vét sạch đến đồng cuối cùng trong tài khoản tiết kiệm của mình để chuyển sang các ngân hàng nước ngoài. Khi cảnh báo của người dân trở thành hiện thực, nạn nhân đầu tiên sẽ là các định chế tài chính nước này do mất một lượng lớn tiền dự trữ và bất ổn là điều không thể tránh khỏi.
Vì thế, dù kịch bản giải cứu đảo quốc này kết thúc theo chiều hướng nào thì hình ảnh người dân Síp thất vọng xếp hàng dài trước các cây ATM đã phá hủy tham vọng trở thành một trong những trung tâm tài chính toàn cầu. Không những thế, thỏa thuận này chắc chắn sẽ trở thành ngòi nổ cho một cuộc chiến mới giữa Nga - EU.
Trên thực tế, từ vài ngày qua, Moscow đã tỏ ra thất vọng trước những diễn biến tại Síp và cảnh báo sẽ có những động thái thích hợp để bảo vệ quyền lợi của người dân, doanh nghiệp Nga - chủ nhân của các khoản tiền gửi lên tới 30 tỷ USD trong các ngân hàng của Síp.