Liệu có tiêu cực?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 9/1 có đăng bài “Xe khách lộng hành trên đường...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị ngày 9/1 có đăng bài “Xe khách lộng hành trên đường cấm”, phản ánh tình trạng nhiều xe khách từ 24 chỗ trở lên ngang nhiên đi vào đường cấm (tuyến Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi) nhưng không bị xử lý. Sau khi phản ánh, Báo đã nhận được nhiều ý kiến của người dân, DN vận tải về vấn đề này.

Một DN vận tải (không muốn nêu tên) đang khai thác tuyến Yên Nghĩa – Thái Bình bức xúc, bình thường chỉ cần các xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định là các lực lượng chức năng lập tức có mặt kiểm tra, xử lý, thậm chí xử lý ở mức nặng nhất. Thế nhưng vì sao những vi phạm trên dù đã diễn ra trong một thời gian dài, ngày ngày “diễu hành” qua chốt của các lực lượng chức năng nhưng không hề bị xử lý? “Nếu các lực lượng chức năng không làm ngơ cho vi phạm thì dù có chở quá tải, nhồi nhét hành khách đến mức nào thì tiền vé không cũng đủ để nộp phạt” – vị đại diện DN này bức xúc.
Xe khách chạy tuyến Cầu Gỗ - Yên Nghĩa ngang nhiên đi vào đường cấm. Ảnh: Đăng Sơn
Xe khách chạy tuyến Cầu Gỗ - Yên Nghĩa ngang nhiên đi vào đường cấm. Ảnh: Đăng Sơn
Trong khi đó, độc giả Hoàng Trung Đức (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) đề nghị UBND TP cần sớm vào cuộc, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị có liên quan đến việc làm ngơ cho vi phạm. “Tình trạng trên đã diễn ra trong một gian dài, giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt các lực lượng chức năng nhưng lại không hề bị xử lý… Rõ ràng, trong vấn đề này cần phải xem xét trách nhiệm của các lực lượng chức năng, cụ thể là lực lượng CSGT” - độc giả Hoàng Trung Đức chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đây là thực trạng đã diễn ra từ lâu, gây ảnh hưởng đến các DN vận tải làm ăn chân chính. Hiệp hội đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được xử lý. “Trong điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều DN đã phải giải thể, sáp nhập, hoạt động cầm chừng. Sự tồn tại của những đơn vị như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT mà còn góp phần đưa những DN làm ăn chân chính đến gần hơn bờ vực phá sản!” - ông Liên cho biết.

Liên quan đến việc có nhiều xe khách chạy sai luồng tuyến tại trục đường Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi, ngày 9/1, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh. Theo ông Linh, trong thời gian qua, để bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn TP, cũng như xử lý việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải khách, Sở GTVT đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị chấp hành nghiêm việc đi đúng lộ trình đã được cấp phép. Đến nay, đa số các DN vận tải đều chấp hành nghiêm các quy định của UBND TP và Sở GTVT trong việc đi đúng luồng, tuyến, biểu đồ chạy xe. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít nhà xe vì lợi nhuận, làm ăn kiểu chộp giật cố tình đi sai luồng tuyến, cộng với việc các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường chưa làm hết trách nhiệm, do đó vi phạm vẫn xảy ra.

Ngay trong sáng 9/1, lãnh đạo Sở đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT kiểm tra trên trục đường, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Chỉ đạo Phòng Vận tải kiểm tra hệ thống GPS để xác định vị trí, số lần các xe vi phạm, từ đó phối hợp với sở GTVT các địa phương xử lý. Đồng thời, căn cứ vào các số xe vi phạm đã được báo Kinh tế & Đô thị nêu, giao Thanh tra Sở GTVT làm việc với DN có xe vi phạm yêu cầu chấn chỉnh buộc chấp hành nghiêm quy định, chạy xe theo đúng lộ trình. Nếu các xe vẫn cố tình vi phạm, Sở GTVT sẽ có biện pháp mạnh như đình tài hoặc cắt “nốt”.