Các nhà phân tích đánh giá, trên thực tế thỏa thuận thương mại sơ bộ vừa được Mỹ và Trung Quốc ký kết không giải quyết được các vấn đề mang tính cấu trúc kinh tế dẫn đến xung đột thương mại, bởi nó không loại bỏ hoàn toàn các “đòn” thuế quan mà 2 bên đáp trả lẫn nhau trong 18 tháng qua.
Tạo dựng lòng tin
Ngày 15/1, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thươn gmaij giai đoạn 1 tại Nhà Trắng. Đây là một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó đánh dấu bước đi đầu tiên trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài gần 2 năm qua khi áp các gói thuế trị giá hàng tỷ USD đối với hàng hóa của nhau .
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng hôm 15/1. |
Đặc biệt, thỏa thuận này còn được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ - Trung nối lại quan hệ thương mại song phương. Giải quyết quan hệ với Mỹ là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh có nhiều tuyên bố nói rằng hai nước đang phân tách và Washington coi Bắc Kinh là đối thủ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang trong năm bầu cử và cũng đang gặp khó khăn trong một cuộc chiến luận tội.
Thỏa thuận sơ bộ bao gồm cam kết của Trung Quốc về mua thêm nông sản, năng lượng và dịch vụ của Mỹ và thực hiện một số cải cách trong hệ thống kinh tế. Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy việc Trung Quốc mua nhiều hàng hóa và dịch vụ của Mỹ hơn.
Bắc Kinh và Washington đã mô tả thỏa thuận giai đoạn 1 là một bước đi quan trọng sau nhiều tháng đàm phán bế tắc trong bối cảnh hai bên thực hiện áp đặt các biện pháp thuế lẫn nhau, gây xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây quan ngại về một sự giảm tốc trầm trọng hơn của nền kinh tế toàn cầu. Trọng tâm của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là việc Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng nông sản, dịch vụ và các hàng hóa khác của Mỹ trong 2 năm, căn cứ vào mức cơ bản là 186 tỷ USD trong năm 2017.
Bên cạnh đó, thỏa thuận này là cơ sở để hai bên có cái nhìn lạc quan hơn về các bước đàm phán tiếp theo. Các quan chức hai nước hoan nghênh thỏa thuận và cho rằng, nó mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ - Trung.
Sau lễ ký, Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng tôi sẽ cùng nhau sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và mang lại một triển vọng công bằng về kinh tế, an toàn cho những người công nhân, nông dân và các hộ gia đình Mỹ”. Ông chủ Nhà Trắng cũng hoan nghênh thỏa thuận và coi đó là một trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử của ông trong năm 2020.
Tổng thống Trump cho biết, ông đồng ý dỡ bỏ các mức thuế còn lại khi hai bên đạt được một thỏa thuận giai đoạn 2 và nhấn mạnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2 sẽ sớm được khởi động. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, Trung Quốc đã cam kết hành động để giải quyết vấn đề hàng lậu, hàng giả cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhận định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thể hiện bản chất cùng thắng, cùng có lợi trong hợp tác Trung - Mỹ. Theo ông Lưu Hạc, thỏa thuận này phù hợp với lợi ích của các nhà sản xuất, người tiêu thụ và các nhà đầu tư toàn cầu, cũng như phát huy tác dụng ổn định kỳ vọng, thúc đẩy phồn vinh.
Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, cho biết thỏa thuận giai đoạn một sẽ giúp mối quan hệ giữa các quốc gia không bị xấu đi, và các cuộc họp tiếp theo có thể giúp họ giải quyết những khác biệt khác.
Vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn
Giới chuyên gia đánh giá, dù thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là cần thiết nhưng vẫn còn "rủi ro tiềm ẩn" trong thỏa thuận mang tính lịch sử này.
Thỏa thuận giai đoạn 1 bao gồm các điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc cũng như việc Trung Quốc tăng mua hàng của Mỹ. Tuy nhiên, với các điều khoản này, giới phân tích cho rằng, vấn đề lớn nhất là việc thực thi thỏa thuận bởi không có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để đảm bảo hai bên sẽ giữ cam kết của mình trong thời gian tới.
Chiến lược gia trưởng về đầu tư Jim Paulsen của tập Đoàn Leuthold tại Minneapolis nhấn mạnh: “Tôi nhận thấy không thể có một sự thay đổi triệt để trong việc mua hàng của Trung Quốc và không kỳ vọng nhiều vào việc hai bên có thể đáp ứng được các mục tiêu đề ra”.
Giới chuyên gia cũng nhận thấy, chỉ nên "lạc quan thận trọng" bởi vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi những vấn đề khó khăn nhất chưa được giải quyết.
Tim Seymour - giám đốc đầu tư của Seymour Asset Management, nói rằng một số cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ được thực hiện, song các “điểm nóng” xung đột giữa 2 bên vẫn hiện hữu.
“Bất chấp cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ của Trung Quốc và nhiều điều khoản khác, thỏa thuận này được xem là mang lại tất cả những gì mà Bắc Kinh mong muốn. Tôi nghĩ rằng đó là một thỏa thuận quan trọng về mặt chính trị đối với Mỹ và vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình đàm phán tiếp theo của thỏa thuận thương mại toàn diện” - chuyên gia Seymour phát biểu trên kênh CNBC hôm 15/1.
Các nhà quan sát khác nói rằng các vấn đề cơ cấu, chẳng hạn như mô hình kinh tế do nhà nước đứng đầu, sẽ khó có thể được giải quyết cho đến khi hai bên bắt đầu thảo luận về thỏa thuận giai đoạn hai, điều dường như chưa thể bắt đầu cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.
Gal Luft, đồng giám đốc của Viện phân tích an ninh toàn cầu, một tổ chức tham vấn ở Washington, cho biết một thỏa thuận giai đoạn 2 trước cuộc bầu cử Mỹ là không thể thực hiện được. “Nếu việc đạt được một thỏa thuận về các vấn đề tương đối dễ dàng trong gia đoạn 1 đã rất vất vả thì có thể tưởng tượng sẽ khó khăn như thế nào để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề cấu trúc cốt lõi”, ông Gal Luft nhận xét./.