Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liều "thuốc tiên" của người đẹp trở thành thuốc độc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vàng từng được kê đơn rộng rãi vào thế kỷ 20 bởi các thầy thuốc nhằm làm thuyên giảm bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Nhưng trước đó từ rất lâu, ngay cả vào thời thượng cổ, vàng đã được ca tụng vì được cho là có khả năng làm tái sinh.

KTĐT - Vàng từng được kê đơn rộng rãi vào thế kỷ 20 bởi các thầy thuốc nhằm làm thuyên giảm bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Nhưng trước đó từ rất lâu, ngay cả vào thời thượng cổ, vàng đã được ca tụng vì được cho là có khả năng làm tái sinh.

Diane de Poitiers, ái phi của vua Henry II thế kỷ 16, được kết luận chết vì một loại "thuốc tiên" giữ tuổi thanh xuân.

Kết luận trên được các nhà khoa học Pháp đưa ra sau khi ngôi mộ của người phụ nữ không có tuổi này được khai quật hồi năm ngoái.

Liều "thuốc tiên" của người đẹp

Liều "thuốc tiên" của người đẹp trở thành thuốc độc - Ảnh 1

Bà Diane de Poitiers.

Trong lịch sử hoàng tộc nước Pháp, ái phi Diane de Poitiers được nhắc đến như một người đàn bà có vẻ đẹp trường tồn.
 
Không chỉ nổi tiếng bởi dung nhan hơn người, Diane de Poitiers còn giữ được vẻ đẹp ấy cho đến tận khi qua đời ở tuổi 66. Chính điều này đã khiến cho bà trở thành một trong những cô bồ được đức vua sủng ái nhất, bất chấp việc bà nhiều hơn Henry II những 20 tuổi.
 
Năm 2009, trong một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học British Medical Journal (BMJ) của Anh, các nhà khoa học Pháp đã tiết lộ: Chính vì muốn tìm kiếm vẻ đẹp vĩnh hằng mà Diane de Poitiers đã bị thiệt mạng. Diane de Poitiers chết vì một loại "thuốc tiên" nhằm giúp bà trẻ mãi không già.
 
Theo bác sĩ Philippe Charlier thuộc khoa Pháp y, Bệnh viện Raymond-Poincaré de Graches và các đồng nghiệp của ông, kết quả phân tích các sợi tóc và các chất cặn trong mộ của bà ái phi Diane de Poitiers cho thấy: Các sợi tóc của Diane chứa một nồng độ vàng rất cao.
 
Sau một thời gian nghiên cứu kéo dài, các nhà khoa học mới nhận ra rằng, chính thói quen uống đều đặn rượu pha vàng - thứ dung dịch được cho là "thuốc nước thanh xuân" (élixir de jouvence) vào mỗi sáng lúc ngủ dậy, đã đầu độc Diane.
 
Thói quen này cũng đã được nhà văn Brantome miêu tả trong một tác phẩm của mình, rằng có rất nhiều phụ nữ quý tộc Pháp thường xuyên uống đều đặn một thứ "nước canh" chứa vàng vào mỗi buổi sáng.
 
Trường hợp tương tự mà nhà văn Brantome từng ghi nhận là một nữ công tước. Vì uống thứ nước canh ấy mà "vào lúc cuối cuộc đời mình, bà nữ công tước của Valentinois vẫn giữ được vẻ mặt đẹp biết bao, tươi mát biết dường nào và cũng dễ thương biết mấy như còn ở lứa tuổi 30".
 
Diane dường như đã quá nôn nóng trong việcgìn giữ vẻ thanh xuân và sắc đẹp của mình vì tình yêu đối với đức vua nhỏ hơn 20 tuổi hay để tiếp tục tập luyện cật lực các môn thể thao mà bà ưa chuộng (bơi lội, săn bắn và cưỡi ngựa) nên đặt nhiều kỳ vọng vào thứ "thuốc nước thanh xuân" kia.
 
Diane không hề ảo tưởng, bởi loại "thuốc tiên" này ít nhiều đã khiến bà trở nên quyến rũ hơn, trẻ đẹp lâu hơn trong mắt người tình. Nhưng bà lại không hề biết đến "tác dụng phụ" của nó, chính nó đã trở thành thứ độc dược tước đi mạng sống của bà.
 
"Thuốc tiên" trở thành thuốc độc
 
Vàng từng được kê đơn rộng rãi vào thế kỷ 20 bởi các thầy thuốc nhằm làm thuyên giảm bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Nhưng trước đó từ rất lâu, ngay cả vào thời thượng cổ, vàng đã được ca tụng vì được cho là có khả năng làm tái sinh.
 
Vào thế kỷ 14, theo bác sĩ Philippe Charlier, các loại nước uống có pha vàng đã rất được ưa chuộng ở triều đình Pháp cũng như trong giới quý tộc. Alexandre de La Tourette còn cung hiến ngay cả bài diễn văn ngắn ngủi của mình về các tính chất tuyệt diệu của dung dịch uống pha vàng cho vua Henri III.
 
Ngày nay, các nhà chế tạo mỹ phẩm cũng đưa chất kim loại quý báu này vào trong các loại kem bôi da nhằm chống lại tuổi già. Các thầy thuốc chuyên khoa về thẩm mỹ học cũng đã biết dùng các sợi chỉ vàng để mạng da nhằm xóa lấp các nếp nhăn và cải thiện độ đàn hồi cho da.
 
Tuy nhiên, có lẽ việc dùng quá liều lượng cho phép hay trong một thời gian quá dài đã khiến cho vàng trở thành thuốc độc.
 
Liều "thuốc tiên" của người đẹp trở thành thuốc độc - Ảnh 2
Một bức tranh miêu tả vẻ đẹp và sự trẻ trung của Diane de Poitiers.
 
Để tìm hiểu nguyên nhân chính xác, các nhà nghiên cứu người Pháp đã tiến hành phân tích một mớ tóc của Diane de Poitiers, được bảo tồn trong lâu đài Anet (Eure-et-Loir), nơi bà từng cư ngụ. Họ cũng nghiên cứu các chất bã phân hủy của bà ái phi, được nhận diện khi khai quật các hài cốt xác ướp ở nghĩa trang Anet.

Khám nghiệm độc chất học đã tìm thấy nồng độ vàng rất cao, gấp 500 lần trị số trung bình, trong các sợi tóc. Theo các tác giả, một nồng độ như thế, trên bình diện lâm sàng, có thể tương ứng với một hội chứng ngộ độc mạn tính vàng với biểu hiện là các rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon, nôn, mửa, tiêu chảy), các sợi tóc mỏng đi, sắc da xanh tái (do thiếu máu), xương dễ vỡ và sau một thời gian dài có thể dẫn tới tử vong. Những trường hợp tử vong do ngộ độc này đã được mô tả khá nhiều trong tư liệu y học.

Thật vậy, Diane de Poitiers đã có những triệu chứng này. Mặc dù rất chăm chỉ tập luyện thể thao và hoạt động tích cực ở ngoài trời nhưng bà vẫn được mô tả là một phụ nữ có làn da trắng xanh.
 
"Các sợi tóc của bà thanh mịn và dễ gãy, xương bà dễ vỡ và bà gần như bị rụng hết răng", bác sĩ Philippe Charlier kể lại sau quá trình khám nghiệm pháp y. Ông xác nhận rằng đây không phải là do bị ô nhiễm.
 
Vì không phải là hoàng hậu, nên bà ái phi Diane de Poitiers đã không mang vương miện bằng vàng, và như thế các sợi tóc và mô của bà ít có khả năng bị ô nhiễm bởi các nữ trang khác. Ngoài ra, vàng cũng không hề được sử dụng vào lúc ướp xác.
 
Các nhà khoa học tưởng như đã bế tắc trong việc đi tìm lời giải vì sao vàng lại xuất hiện trên tóc và cơ thể Diane nếu không có những gợi ý về thói quen uống vàng của giới quý tộc Pháp hồi thế kỷ 16 của nhà văn Brantome.
 
Công trình nghiên cứu về bà ái phi của vua Henry II còn cho phép rút ra những kết luận khác rất lý thú đối với lịch sử y khoa. Vào năm 1565, Diane de Poitiers, vốn là nữ vận động viên thể thao giỏi, đã được điều trị bởi thầy thuốc ngoại khoa nổi tiếng Ambroise Parré vì gãy xương hở ở cẳng chân sau khi ngã ngựa.
 
"Sự thăm khám các xương cho thấy vết thương được lành sẹo tốt, không bị viêm màng xương (périostite) và gần như không bị mất đi chiều dài, chứng tỏ là Ambroise Parré, nhà tiên phong trong kỹ thuật rửa sạch các vết thương, đã làm việc một cách rất khoa học và cẩn thận" - Philippe Charlier nhận xét - "Chính Ambroise Parré, cha đẻ của môn ngoại khoa hiện đại đã cho bà bệnh nhân nổi tiếng của mình hưởng những thành quả đầu tiên trong tiến bộ y khoa thời bấy giờ. Điều này giải thích tại sao bà Diane, môn đồ của thói ăn chơi trong giới thượng lưu, đã có thể sống vui khỏe cho mãi đến tận cuối đời mình, mặc dù răng rụng gần hết. Đó là vì bà đã được Ambroise Parré thử nghiệm những chiếc răng giả đầu tiên do ông ta tạo ra".