Trong 7 mùa giải gần nhất, chiếc Cúp dành cho nhà vô địch Tây Ban Nha chỉ chuyển giao quyền sở hữu giữa thủ đô Madrid với thành phố Barcelona. Trong đó, Barca có 5 lần đăng quang, và 2 lần còn lại thuộc về Real.
Cũng trong ngần ấy năm, chỉ một lần duy nhất ngôi nhất - nhì không đồng thời thuộc về hai thành phố lớn nhất Tây Ban Nha. Mùa 2007-08, Villarreal nổi lên như một hiện tượng thú vị khi vượt qua Barca để giành ngôi á quân, chỉ đứng sau đội bóng Hoàng gia.
Những con số ấy không hề vô hồn. Nó nói lên rằng tính cân bằng đã bị mai một ở Liga. Không một đối thủ nào có thể đủ sức để cạnh tranh hai ngôi đầu với Real và Barca.
Hãy xem, mùa 2008-09, khoảng cách giữa đội nhì bảng Real và đội hạng 3 Sevilla chỉ là 8 điểm. Nhưng trong mùa giải gần nhất, khoảng cách đã gấp 3 lần như thế. Mùa 2009-10, Real giành ngôi á quân với 25 điểm nhiều hơn đội đứng ngay sau. Mùa trước, con số này là 21.
Không phải ngẫu nhiên mà Del Nido, Chủ tịch Sevilla, từng đề cập trong mùa hè 2011 rằng: "La Liga là đống rác rưởi lớn nhất thế giới". Del Nido ám chỉ, sự thiếu công bằng trong cách phân chia bản quyền truyền hình, với một nửa thuộc Real và Barca, đã giết chết Liga.
Nhẹ nhàng hơn, Fernando Roig - Chủ tịch Villarreal - nói: "Liga đang bị phân hóa mạnh mẽ, và chẳng khác gì giải đấu ở Scotland, nơi chỉ có hai đội bóng ngày này qua ngày khác cạnh tranh cùng nhau".
Sự thiếu cân bằng cũng đang lặp lại trong mùa giải này. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng, có thể thấy khoảng cách giữa Barca - đội nhì bảng, chỉ hơn đối thủ xếp ngay sau là Valencia đúng 4 điểm. Tuy vậy, 4 điểm ấy là một khoảng cách xa vời vợi mà Valencia còn lâu mới có thể san lấp.
Sau giai đoạn nghỉ Đông, Barca đã có thể tập trung toàn lực vào La Liga (Champions League phải hơn một tháng nữa mới trở lại). Đến khi ấy,. "Pep Team" sẽ cùng với "Mou Team" đua nước rút, và bỏ rơi phần còn lại.
Sự mất cân đối còn được thể hiện qua khoảng cách giữa ngôi đầu bảng của Real với vị trí chót bảng mà Zaragoza đang nắm giữ. Real có 40 điểm, còn Zaragoza chỉ là 10. Có nghĩa khoảng cách giữa hai đội lên đến 30 điểm.
Về sự chênh lệch này, những giải VĐQG Italia (chênh lệch giữa đội đầu bảng và chót bảng là 25 điểm), Đức (24), Pháp (25) đều không thể sánh bằng.
Chỉ có Premier League của người Anh là cao hơn. Hiện tại, hai đội đầu bảng Man City và M.U đang có nhiều hơn đội cuối bảng Blackburn Rovers 33 điểm. Cũng chỉ Anh và Tây Ban Nha là có những đội đầu bảng chạm đến cột mốc 40 điểm.
Tuy nhiên, Man City và M.U đều đá 18 trận, trong khi Real mới có 16 trận. Nếu La Liga diễn ra thêm hai vòng nữa, khoảng cách mà Real tạo ra trước đội cuối bảng có thể còn tăng cao.
Một thống kê khác để thấy La Liga mất cân bằng như thế nào: trong năm 2011, với 38 trận đấu (tương đương số trận một mùa giải), Real giành đến 91 điểm và ghi 119 bàn thắng. Barca cũng có 90 điểm và ghi được 94 bàn.
Trong khi đó, đội xếp thứ 3 Valencia chỉ kiếm 76 điểm. Những đối thủ phía sau thì càng ít hơn. Có 17 đội bóng đã đá đủ 38 trận Liga trong năm 2011, và Getafe đứng chót với chỉ 37 điểm, thậm chí chưa bằng một nửa điểm số của Valencia.
Đến bao giờ mới có một CLB đủ sức phá vỡ cuộc đua song mã Real - Barca? Không mấy ai có niềm tin vào sự cân bằng sẽ lập lại trong tương lai gần, khi mà quyền lực của Real và Barca đang bao trùm quá lớn.
Vài tháng trước, Del Nido đã kêu gọi 17 Chủ tịch khác ở Liga kết hợp để ra yêu sách đòi chia bản quyền truyền hình công bằng hơn, một cách để đưa Liga trở lại với tính cân bằng. Kết quả thế nào? Chỉ có 12 người tham dự, và sau đó cuộc họp đổ bể. Lý do: Florentino Perez và Sandro Rosell chỉ bỏ nhỏ vài câu là không ai còn dám đứng lên đòi hỏi cái gọi là "sự công bằng".
Khi mà công bằng không tồn tại ở Liga, thì giải đấu rơi vào cảnh mất cân bằng trầm trọng cũng là lẽ thường tình.