Đoàn kết, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ
Có thể thấy, trong bất kỳ thời điểm nào, Đảng bộ TP Hà Nội luôn coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất để lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị và xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Từ quyết tâm đổi mới, cách làm căn cơ, bài bản, Thành ủy Hà Nội đã thúc đẩy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các ban Đảng và các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP xuống cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô.
Điển hình trong năm 2023 vừa đi qua, Hà Nội không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt trong công tác xây dựng Đảng mà còn cụ thể hóa tư duy, tầm nhìn chiến lược thành sản phẩm để chuẩn bị cho tương lai 20, 30 năm tới đó là khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển Thủ đô với 3 nội dung lớn.
Với việc khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đúng kế hoạch - dự án mang tính chiến lược, động lực kết nối vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng không chỉ cho Hà Nội. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hiện nay cả 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 93% diện tích, trong đó Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất là hơn 96%. Cả 3 tỉnh, thành phố đều quyết tâm phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3/2024.
Trên toàn tuyến đường song hành, Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công, trong đó có 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu; Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ triển khai các mũi thi công trên toàn tuyến trong tháng 1, chậm nhất là quý I/2024. Với tình hình tiến độ hiện nay, trong năm 2025 dự kiến sẽ hoàn thành đường song hành Vành đai 4.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội đã triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với 3 nội dung lớn: Phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế. Xây dựng đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển.
Cả 3 nhiệm vụ này đến nay đều cho kết quả tốt. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến với sự đồng thuận rất cao tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. HĐND TP đã thông qua Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Còn đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các báo cáo quan trọng đã được hoàn thành. Thành phố đang hướng tới mục tiêu trình và được Quốc hội khóa XV thông qua 3 nội dung quan trọng này vào Kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024. Đây là những việc rất lớn và có ý nghĩa lịch sử, quyết định đến sự phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô.
Phát triển hạ tầng là một trong những đột phá chiến lược
Để tạo động lực bứt phá đưa Thủ đô phát triển hơn trong thời gian tới, TP xác định phát triển hạ tầng là một trong những đột phá chiến lược. Chủ trương chung của TP Hà Nội nhiệm kỳ này là cố gắng khép kín các đường Vành đai. Cụ thể, đối với đường Vành đai 1, Vành đai 2 cơ bản đã xong và Vành đai 3 còn một đoạn 14km thuộc địa phận huyện Đông Anh, TP quyết định làm nốt bằng tiền ngân sách. Cùng với đó, dự án đường Vành đai 4 đang được triển khai quyết liệt. TP cũng đã quyết định đầu tư đoạn từ Hà Đông đi Xuân Mai làm rộng như đoạn Nguyễn Trãi; đoạn từ cuối Đại lộ Thăng Long đi lên cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cũng được làm to rộng. Ở khu vực phía Nam, sẽ làm tiếp đoạn từ Hà Đông qua Thanh Trì...
Ngoài ra, TP Hà Nội sẽ tập trung tiến hành các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng những cầu vượt sông Hồng và tăng cường hạ tầng kết nối quan trọng như: cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Thượng Cát... Đồng thời, phối hợp để sớm triển khai xây dựng 3 cầu vượt sông Hồng và sông Đuống trên đường Vành đai 4 gồm cầu Mễ Sở, Hồng Hà vượt sông Hồng và cầu Hoài Thượng vượt sông Đuống. Đây là 3 cây cầu có ý nghĩa quan trọng để kết nối liên thông và đưa vào vận hành khai thác cùng với đường song hành Vành đai 4.
Cùng với đó, TP Hà Nội xác định là phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thật tốt gắn với xây dựng 2 thành phố trực thuộc để có thể giải nén đô thị. Vì vậy, tới đây, Hà Nội sẽ tập trung chuẩn bị các dự án đường sắt đô thị. Trước mắt, năm 2024, TP đang chỉ đạo đưa vào vận hành trước đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn về đến Kim Mã. Đoạn ngầm từ Kim Mã về Ga Hà Nội đã được tháo gỡ vướng mắc, tới đây sẽ tập trung triển khai.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được đầu tư để nối tiếp lên đến Xuân Mai. Tuyến đường sắt thứ ba mà TP sẽ tập trung chỉ đạo triển khai sớm đó là tuyến Văn Cao - Hòa Lạc. Ngoài ra, còn một tuyến nữa cũng rất quan trọng là tuyến từ sân bay Nội Bài đi về trung tâm TP cũng sẽ được ưu tiên triển khai sớm.
TP Hà Nội dự kiến sẽ quy hoạch 10 tuyến đường sắt đô thị, không chỉ để kết nối các khu vực trong Hà Nội mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Tới đây, nội dung này sẽ được TP bổ sung, cập nhật vào các quy hoạch...