Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh mới đây nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, huy động quá sức dân trong xây dựng NTM.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến hết tháng 10/2015, cả nước đã có trên 1.100 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 13% tổng số xã trên cả nước. Bình quân mỗi xã đạt 11,64 tiêu chí (tăng 6,94 tiêu chí so với năm 2011). Ngoài ra, đến nay đã có 10 huyện được công nhận đạt danh hiệu “huyện NTM”, trong đó TP Hà Nội có huyện Đan Phượng. Sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Mặc dù vậy, quá trình triển khai xây dựng NTM ở nhiều địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có vấn đề huy động nguồn lực.
Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân sách chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 40% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tiếp đến là vốn tín dụng (khoảng 30%), vốn từ các DN và các tổ chức kinh tế khác (khoảng 20%) và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư (khoảng 10%). Tuy nhiên, gần đây, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nóng vội dẫn tới huy động quá sức dân, nhất là các hộ nghèo, gia đình chính sách như tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam… Không những thế, việc chạy theo thành tích còn dẫn tới tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản ở nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, gây bức xúc trong dư luận.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Chính phủ đã yêu cầu việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đóng góp thực hiện chương trình phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương và khả năng nguồn lực. Đồng thời thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, không thực hiện xây dựng khi không có nguồn kinh phí đảm bảo. Việc huy động đóng góp của người dân phải bàn bạc dân chủ, được sự đồng tình và nhất trí của người dân, tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc hay quá sức dân. Đặc biệt, không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Liên quan tới vấn đề này, UBND TP Hà Nội cũng vừa chỉ đạo các huyện, thị xã phân bổ, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các xã đăng ký phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM trong năm và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hạ tầng thiết yếu. UBND huyện, thị xã có trách nhiệm sử dụng ngân sách cấp huyện đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án được ngân sách TP hỗ trợ. Các xã có trách nhiệm sử dụng nguồn thu ngân sách xã được hưởng theo phân cấp như tiền đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án được ngân sách TP, ngân sách cấp huyện hỗ trợ, nhất là xây dựng đường giao thông thôn, đào đắp kênh mương, hệ thống thoát nước thải khu dân cư…
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ.
|