Thanh, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng
Theo công điện, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số thời gian qua đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, quản lý thu thuế…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đối với các DN, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế mới đây cũng ban hành Công điện số 01 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và Cục Thuế DN lớn triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Cụ thể, các đơn vị được yêu cầu triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hoạt động livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập thì đều phải chịu sự điều chỉnh của các quy định, Luật thuế và các sắc thuế, chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế. Đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung, hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng, hiện cơ quan thuế đang thực hiện quản lý, giám sát theo 2 sắc thuế.
Thứ nhất, nếu là cá nhân thực hiện hoạt động bán hàng có phát sinh doanh thu và thu nhập thì phải chịu thuế với thu nhập của bản thân, điều chỉnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đối với các hộ kinh doanh gia đình, hộ kinh doanh hoạt động bán hàng có phát sinh doanh thu (gọi là hoa hồng bán hàng) thì cơ quan thuế thực hiện quản lý và thu thuế theo quy định với hộ kinh doanh. Nếu là hộ khoán thì nằm trong mức khoán, kê khai và thực hiện theo kê khai về thuế.
Cần phương án giải quyết triệt để
Cuối năm 2023, kho hàng nằm trong khu đô thị Đô Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) của hot girl livestream chốt nghìn mỗi ngày Nguyễn Hoàng Mai Ly (Maistyle.com) đã bị lực lượng quản lý thị trường và CA kiểm tra. Hàng hoá tại đây đa phần là sản phẩm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng, trên vỏ hộp thể hiện xuất xứ từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada...
Phần lớn sản phẩm không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trên nền tảng facebook Mailystyle.com có 332.000 lượt thích và 520.000 lượt theo dõi đăng tải công khai số tài khoản ngân hàng của Nguyễn Hoàng Mai Ly với 12 số điện thoại chốt đơn, tư vấn khách hàng. Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã họp với các đơn vị liên quan thống nhất chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra CA quận Hà Đông.
Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã bất ngờ vào kiểm tra một kho hàng khi nhân viên đang tiến hành livestream bán hàng trên tài khoản “Ngọc Quyên Gia Lai”. Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên có dấu hiệu sử dụng ứng dụng bán hàng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.
Hàng hóa là các sản phẩm như nước hoa có nhãn hiệu Gucci, Tom Ford, YSL, Chanel, Louis Vuitton, Dior, Boss, Sauvage, Lancôme, Kilian….; giày, dép, túi, ví các thương hiệu Louis Vuitton, Chanel, Adidas, Nike; mỹ phẩm là các nhãn hiệu Vaseline, Bioderma; các loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc trong vòng 7 ngày cùng hàng loạt các mặt hàng là đồ gia dụng, tiêu dùng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên không có cửa hàng kinh doanh cố định. Vụ Ngọc Quyên Gia Lai shop đang được CATP Pleiku (tỉnh Gia Lai) thụ lý, điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Hiện nay đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử, đơn cử như Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, dù có nhiều cơ sở kinh doanh online hàng giả, hàng nhái bị triệt phá, tuy nhiên trên thực tế chỉ như muối bỏ biển. Việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn, khi có hàng trăm nghìn cá nhân, hộ gia đình… đang kinh doanh online.
Theo Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.
Hiện có quy định yêu cầu ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ ràng, khiến ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn.
Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau.
Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch thương mại điện tử càng trở nên khó khăn.