Lộ diện thí sinh tiềm năng của “Vua đầu bếp 2014”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huế và Nam Định chào đón “Masterchef Vietnam – Vua đầu bếp 2014” với hàng loạt các món ăn dự thi đặc sắc và được trình bày đẹp mắt.

Khác với mùa thi năm trước chỉ gói gọn tuyển sinh tại 3 thành phố lớn là Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hành trình tìm kiếm những ứng viên tìm năng cho “Vua đầu bếp 2014” đã mở rộng địa điểm tuyển sinh tại khu vực miền Tây, Trung và Bắc. 
Thí sinh tại Nam Định gây ấn tượng với món ăn dân dã

Gây ấn tượng với giám khảo với món ăn đơn giản là “Thịt kho”, thí sinh Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1989) chia sẻ: “Ngày xưa ở cùng cha mẹ thì hầu như mình không phải nấu ăn gì cả vì mãi bận học rồi lại đi làm. Đến khi lấy chồng xong thì “buộc” phải thực hiện nghĩa vụ của một người vợ để chăm lo hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình.”
Thí sinh trổ tài nấu ăn.
Thí sinh trổ tài nấu ăn.
Thí sinh Lương Minh Đạt (sinh năm 1991) lại để lại một dấu ấn riêng cho vòng sơ tuyển với món ăn vô cùng đơn giản và quen thuộc, đó là “Cơm chiên”. Đang theo học tại Đà Nẵng nhưng khi biết tin MasterChef Vietnam tổ chức sơ tuyển tại TP Nam Định, Minh Đạt đã đến dự thi. Tuy là món cơm dân dã nhưng lại được Minh Đạt sáng tạo thành món ăn ngon, lạ miệng thu hút sự chú của ban giám khảo với công thức sáng tạo của riêng mình: cơm nguội dùng 3 phần chiên giòn, 7 phần chiên sơ cho mềm, trộn 2 loại cơm lại với nhau sau đó bỏ trứng đánh sẵn vào để chừng 20 phút rồi mang chiên sẽ tạo được độ vàng óng cho từng hạt cơm, sau đó nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Và sự sáng tạo này của anh đã nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo. 
Giám khảo Tịnh Hà chấm điểm thí sinh.
Giám khảo Tôn Nữ Thị Hà phỏng vấn thí sinh.
Nhiều thí sinh mặc áo dài dự thi tại Huế

Khi hành trình sơ tuyển của Masterchef Vietnam đặt chân đến Huế, ban tổ chức vẫn ngạc nhiên với “màn trình diễn” ẩm thực gồm đầy đủ ba cung bậc: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực. Có nhiều thí sinh mặc áo dài đến tham gia và chuẩn bị thuyết trình cho món ăn của mình. 
Món chả phượng.
Món chả phượng.
Thí sinh Phan Văn Duy đến từ Hội An với đam mê nấu ăn từ thuở nhỏ. Học hết cấp 3 với mong muốn thi vào trường trung cấp dạy nấu ăn, nhưng bị sự phản đối từ gia đình vì ba quan niệm nghề đầu bếp cực khổ và không có tương lai. Ba định hướng cho Duy thi vào trường trung cấp quản lý nhà hàng – khách sạn. Sau khi ra trường, do không kiếm được công việc phù hợp, Duy đã trải qua rất nhiều nghề khác nhau từ: phục vụ bàn tại quán cafe, đến pha chế, và hiện nay làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng tại Hội An. Bên cạnh sở trường là các món nướng, Duy cũng có thể nấu được một số món Âu do tìm hiểu công thức qua sách cũng như internet. Đến với cuộc thi, Văn Duy chứng minh cho ba anh thấy rằng “đầu bếp cũng là nghề có tương lai và được mọi người công nhận.”
Các món ăn của thí sinh.
Các món ăn của thí sinh.
Món cơm hến.
Món cơm hến.
Thí sinh Trần Thị Thủy Dung (50 tuổi) hiện kinh doanh tại chợ Đông Ba – Huế. Do hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học giữa chừng phụ mẹ buôn bán. Ngay từ nhỏ cô đã đam mê việc bếp núc, thường xuyên vào bếp để phụ mẹ cũng như học hỏi cách nấu ăn và căn bếp gia đình chính là nơi tiếp lửa và truyền cho cô tình yêu với các món ăn cũng như công việc nấu nướng. Đặc biệt, cô mong muốn quảng bá rộng rãi đến mọi người các món ăn đặc trưng xứ Huế, đó là sự dân dã, tinh tế như chính nhân cách người dân Huế.
 
Lộ diện thí sinh tiềm năng của “Vua đầu bếp 2014” - Ảnh 1
Món nem công.
Thí sinh Trương Thị Kim Oanh hiện đang làm Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Bố là nguồn động lực và cảm hứng đam mê nấu ăn, nhưng ông đã qua đời. Sinh ra, lớn lên và học tập tại nhiều nơi được tiếp xúc với văn hóa ẩm thực các vùng miền. Nấu được nhiều món ăn, từ Việt, Âu hay món tráng miệng. Tự tin vào được top 2 và muốn trở thành quán quân.”
Món chả hoa.
Món chả hoa.
Là một nghệ nhân nổi tiếng trong rất nhiều lĩnh vực từ nấu ăn, trồng cây kiểng, ngành y, nhiếp ảnh, vẻ chân dung, đúc chậu, dạy học, phiên dịch cho đến pha rượu, làm bánh..., bà Tôn Nữ Thị Hà đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước trong suốt chặng đường dài gắn bó với ngành ẩm thực.
Món chè long nhãn.
Món chè long nhãn.
Với vai trò giám khảo vòng sơ loại Vua đầu bếp tại Huế lần này, mẹ của nữ giám khảo “Vua đầu bếp 2013” - Phan Tôn Tịnh Hải chia sẻ: “để chế biến món ăn người đầu bếp không chỉ có kiến thức chuyên môn mà phải có khả năng sáng tạo khi chế biến, không phải cứ nhất nhất theo công thức có sẵn bởi công thức chỉ có tính tương đối, phải tuỳ theo đặc tính từng loại thực phẩm để nêm gia vị cho phù hợp.”