Vốn ngắn hạn đang dư thừa
“Cơ sở để giảm lãi suất cho vay là Vietcombank vừa giảm lãi suất huy động. Hiện thanh khoản ngân hàng khá ổn định, đã giảm lãi suất huy động rồi nên phải giảm lãi suất tiền vay”, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Vietcombank, một trong những ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay trên thị trường cho biết. Các khoản mà Vietcombank giảm lãi suất là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, DN khởi nghiệp về mức 6%/ năm thay mức đang áp dụng là 7%/ năm, áp dụng từ 15/10.
Cũng từ 15/10, NH Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các DN vừa và nhỏ. NHTMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đã giảm lãi suất cho vay, tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm.
Khả năng trong những ngày tới sẽ có thêm ngân hàng giảm lãi cho vay. SHB mới đây cũng cho biết đang dành gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/ năm, nhằm kích cầu tiêu dùng. BIDV và Vietinbank trước đó (ngày 26/9) giảm lãi suất huy động để rút ngắn khoảng cách với Vietcombank.
“Sức ép từ cầu tín dụng đã không còn, thay vào đó, huy động dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý 3. Thông thường, vào quý cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh tín dụng để đạt chỉ tiêu cả năm. Đây là một tín hiệu tích cực của việc giảm lãi suất cho vay vào mùa cao điểm tín dụng cuối năm”, báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá.
Lãi ít để tự cứu mình
Trên thực tế, trong bối cảnh “vốn ế”, nếu ngân hàng không giảm lãi suất sẽ mất khách. Trong ba tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng hệ thống phải bằng 9 tháng cộng lại mới đạt chỉ tiêu cho vay. Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, cuộc cạnh tranh giành khách hàng để tăng tín dụng hiện nay đang rất quyết liệt. “Hiện nay chênh lệch lãi suất cho vay/huy động mà các ngân hàng duy trì đang ở mức khá thấp. Nếu xét đến việc kinh doanh có lãi thì chênh lệch này phải 2,5% mới có lãi và đủ bù chi phí, tức mức lãi cho vay ra phải 9,2 – 9,3%/năm. Nhưng mức này sẽ không có người vay. Vậy thì tại sao ngân hàng lại không chấp nhận lãi ít hơn, hoặc lỗ ít hơn để cho vay với lãi suất rẻ hơn, vừa để hỗ trợ DN, nền kinh tế, lại vừa có thể tự cứu lấy mình", vị lãnh đạo này chia sẻ. Quan sát trên thị trường, mặc dù còn nhiều ngân hàng lãi suất huy động vẫn được neo ở mức cao, lên tới 7,7- 8%/năm, nhưng các ngân hàng này cũng tổ chức chương trình cho vay ưu đãi với mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.
Tuy lãi suất giảm nhưng câu hỏi đặt ra là sẽ kéo dài được bao lâu và xu hướng có giảm tiếp nữa hay không? Ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn lo ngại rằng các đối tượng hưởng lãi suất thấp vẫn khá ít. Nhiều NHTM cũng thừa nhận, lãi suất cho vay trước mắt chỉ có thể giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên, các DN tốt, chứ chưa thể giảm đại trà. Điều kiện để duy trì lãi suất cho vay giảm cần nhiều yếu tố như: Lạm phát thấp, xử lý nhanh nợ xấu, vào lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, kết quả kinh doanh cuối năm của các ngân hàng và chỉ tiêu tín dụng trong năm tài chính mới…
Lãi suất ngân hàng hạ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu cho DN. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mọi DN phải tiếp xúc được với khoản vốn vay. Các thủ tục xét vay có được nhanh gọn hay không? Để giúp cộng đồng DN tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn, các ngân hàng có thể không yêu cầu tài sản đảm bảo như đất, sổ đỏ… nữa, thay vào đó, tập trung vào phương án kinh doanh khả thi của các DN. Đặc biệt, các ngân hàng cần phải công khai minh bạch, công bằng hơn trong vấn đề đối xử giữa các DN, kể cả DN lớn lẫn nhỏ và vừa. (Bà Dương Thị Liên Hương – Giám đốc Công ty dệt may xuất khẩu Tân Bắc Đô, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Hà Nội). |