Một vụ tấn công khủng bố bằng xe tải nhằm vào khu chợ Giáng sinh nhộn nhịp ở thủ đô Berlin (Đức), khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 48 người khác bị thương. Theo bà Julian Reichelt, Tổng biên tập của Bild - một tờ báo nổi tiếng của Đức, vụ tấn công giống như “câu chuyện ở Nice được chuyển thể”. Hồi tháng 7, một vụ tấn công khủng bố cũng bằng xe tải xảy ra ở thành phố Nice của Pháp khiến 86 người chết và hơn 400 người bị thương. Cả hai vụ tấn công đều do lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng ra nhận trách nhiệm.
Quang cảnh vụ tấn công bằng xe tải tại Đức |
Cùng ngày, cảnh sát Thụy Sĩ cho biết một vụ xả súng xảy ra ở một phòng cầu nguyện Hồi giáo gần ga tàu lửa của thành phố Zurich đã khiến ba người bị thương. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong một buổi triển lãm ảnh ở thủ đô Ankara ngày 19/12, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov đã bị bắn trọng thương và qua đời sau khi được đưa vào bệnh viện. Vụ việc xảy ra chỉ vài phút sau khi ông bắt đầu bài diễn văn khai mạc buổi triển lãm do Đại sứ quán Nga tài trợ tổ chức. Theo hãng tin AP, tay súng mặc đồ comple lịch sự và tự nhận làm cảnh sát để trà trộn vào buổi triển lãm "Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ". Khi nổ súng bắn đại sứ Nga, người này hô to "Allahu Akbar" và nã ít nhất tám phát đạn vào người nạn nhân. Tay súng đã bị lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngay tại sảnh chính của nhà triển lãm.Trên trang Twitter, ông Donald Trump - người vừa được hội nghị đại cử tri bầu chọn là Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ tuyên bố ba cuộc tấn công khủng bố diễn ra trong cùng một ngày ở các nước thuộc châu Âu cho thấy “tình hình an ninh đang diễn biến tệ hơn. Thế giới văn minh buộc phải thay đổi suy nghĩ”. Ba vụ việc một lần nữa là hồi chuông cảnh tình về lỗ hổng an ninh của châu Âu, trong thời điểm các dịp lễ cuối năm cận kề. Vụ tấn công tại Đức có kịch bản gần như tương tự tại Nice (Pháp), cho thấy các nhà chức trách châu Âu vẫn chưa rút được kinh nghiệm để đề phòng những “sói đơn độc” thực hiện tấn công với phương tiện giao thông hoặc công cụ thô sơ, tự phát. Trong khi đó, việc hung thủ tại Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng tiếp cận và ám sát Đại sứ Nga làm dấy lên nghi ngờ về khả năng bảo vệ quan chức nước ngoài của Ankara. Vụ ám sát được các chuyên gia Nga coi là kế hoạch khủng bố, có thể liên quan đến lực lượng IS. Cùng ngày, chính quyền Washington tuyên bố ngừng điều động 3 phái đoàn tới Ankara theo dự kiến, sau khi một vụ đấu súng nổ ra bên ngoài trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ kỳ.