Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng từ khâu quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sau loạt bài viết “Bất cập...

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sau loạt bài viết “Bất cập trong đào tạo thạc sĩ”, PGS Dương Văn Sao – Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn – người có nhiều năm kinh nghiệm và hiện vẫn đang trực tiếp tham gia đào tạo, hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sĩ ở một số trường đại học, cũng đồng tình: Chất lượng đào tạo thạc sĩ đang có xu hướng giảm.

Thưa PGS, đâu là những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo thạc sĩ có xu hướng giảm?

- Theo tôi có mấy lý do khiến chất lượng đào tạo của bậc học này bị giảm. Thứ nhất, công tác quản lý đào tạo chưa được quan tâm đúng mức, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, việc xử lý các vi phạm chưa nghiêm. Thể hiện ở chỗ các trường tự tuyển sinh, tự xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo. Luận văn thì nhà trường phân công giảng viên hướng dẫn và thành lập Hội đồng tổ chức bảo vệ, trong quá trình đào tạo rất ít có sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng.
Học viên Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Học viên Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Thứ hai, đối tượng để đào tạo ngày càng đa dạng. Hiện nay có một số người đang làm việc, do yêu cầu của công việc cần thiết được đào tạo. Nhưng có không ít sinh viên (SV) tốt nghiệp không tìm được việc làm, tiếp tục học thạc sĩ, đối tượng này lúc còn là SV năng lực học  chưa thực sự tốt mặc dù cũng có bằng tốt nghiệp loại khá, nên khi học thạc sĩ còn hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm. Chưa kể có một số SV không đúng chuyên ngành, nhưng học chuyển đổi một số môn để vào học thạc sĩ. Thứ ba là hiện có nhiều trường đủ điều kiện đào tạo thạc sĩ, nên hàng năm các chỉ tiêu được giao khá lớn so với nhu cầu được đào tạo. Điều này dẫn đến việc tuyển chọn, sàng lọc đầu vào của một số trường chưa thực sự cao.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay đang xảy ra tình trạng luận văn thạc sĩ xào xáo của nhau, mua hoặc thuê người làm. PGS có ý kiến gì về việc này?

- Nhìn chung chất lượng luận văn thạc sĩ chưa cao, ngoài những lý do trên còn có lý do nhiều học viên vừa đi làm vừa đi học, nên thời gian dành cho nghiên cứu, viết luận văn rất ít khiến chất lượng luận văn thấp. Đây là điều khó tránh khỏi. Mặt khác so với SV đi thực tập tốt nghiệp để viết khóa luận, sau khi viết xong phải có xác nhận của cơ sở thực tập về ý thức thực tập, về sản phẩm đã nghiên cứu ở cơ sở có phù hợp và thiết thực không. Còn luận văn thạc sĩ thì học viên lại không cần có xác nhận của cơ sở thực tập, nên những số liệu đánh giá thực trạng có chính xác không cũng chưa xác định được dù các số liệu đều có nguồn, những đề xuất kiến nghị cũng khó kiểm nghiệm có phù hợp không.

PGS đã từng gặp trường hợp xào xáo luận văn của người khác?

- Thực tế tôi chưa gặp trường hợp nào xào xáo nguyên xi luận văn của người khác, nhưng đây là vấn đề cũng cần xem xét. Bởi các đề tài luận văn về cơ bản không thay đổi nhiều, sự khác nhau chỉ là địa bàn viết. Nên trong lĩnh vực xã hội hay kinh tế rất dễ dẫn đến tình trạng cắt dán luận văn. Ví dụ, nhiều luận văn chỉ khác nhau tên địa bàn, nên nội dung về cơ bản chỉ khác nhau ở đánh giá thực trạng; còn phần cơ sở lý luận không khác bao nhiêu, các đề xuất, các giải pháp được học viên đề xuất nhìn chung là đầy đủ, toàn diện nhưng chung chung nên có thể lấy ở luận văn này dán vào luận văn khác cũng được.

Theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành, thời gian đào tạo thạc sĩ tối thiểu chỉ còn một năm. Người ta đang lo ngại chất lượng đào tạo thạc sĩ tiếp tục giảm, thưa PGS?

- Tôi thấy đáng ngại khi đào tạo thạc sĩ chỉ còn một năm, bởi thời gian càng rút ngắn càng khiến chất lượng đào tạo giảm sút. Trước đây, đào tạo thạc sĩ trong thời gian 3 năm, sau giảm xuống 2 năm, nay tối thiểu một năm thì không biết người ta học và viết luận văn như thế nào? Học viên hầu hết lại vừa học vừa làm, thời gian học chủ yếu là ngoài giờ. Rồi, động cơ của người học cũng rất khác nhau…

PGS có đề xuất nào để giải bài toán này?

- Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp đồng bộ từ Bộ GD&ĐT cho đến các trường, một hay hai trường làm riêng lẻ sẽ khó thực hiện được. Bởi nếu trường này làm khó, người học sẽ vào học trường khác. Hiện nay người học có rất nhiều trường để lựa chọn; nếu làm quá khó thì trường sẽ có ít thí sinh đến học, điều này đồng nghĩa với giảng viên sẽ ít việc làm.

Tôi cho rằng cần phải rà soát để hoàn thiện các quy định về công tác quản lý Nhà nước về đào tạo thạc sĩ, như điều kiện đào tạo, tiêu chuẩn người được đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, công tác tổ chức đào tạo… Cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo thạc sĩ, đồng thời cân đối chỉ tiêu thạc sĩ. Nếu cứ cho đào tạo quá nhiều, sẽ được về mặt số lượng, còn chất lượng tất yếu sẽ hạn chế. Bởi số người thi vào với nhu cầu đào tạo gần ngang nhau việc tuyển chọn, sàng lọc sẽ hạn chế. Mặt khác, khi số lượng đào tạo thạc sĩ quá lớn, đồng nghĩa với giảng viên phải hướng dẫn luận văn nhiều, cũng ảnh hưởng đến chất lượng.

Xin cảm ơn PGS!