Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo lắng đủ bề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 15/11, Hà Nội sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 10 xã, phường và 5 quận, huyện.

Đến thời điểm hiện tại, trong khi các xã, phường lo nhân lực để triển khai kế hoạch thì các DN kinh doanh thực phẩm lại lo thanh tra “lạm quyền”, gây khó khăn cho cơ sở.

Khó trong nguồn nhân lực

Có thể nói, việc trao quyền thanh tra ATTP cho các cán bộ xã, phường theo Nghị định 38 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để lực lượng thanh tra ATTP “cắm chốt” ngay từ cấp cơ sở, ngăn chặn từ gốc nguy cơ mất ATTP từ khâu sản xuất, tập kết nguyên liệu, chế biến thực phẩm mang ra thị trường. Theo kế hoạch, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, đội thanh tra này sẽ chính thức đi vào hoạt động, nhưng cho đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, 10 xã, phường được lựa chọn vẫn mới chỉ “nghe đến” thông tin Nghị định chứ chưa được tập huấn.
Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại một siêu thị ở quận Ba Đình. 	Ảnh: Thắng Văn
Kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại một siêu thị ở quận Ba Đình. Ảnh: Thắng Văn
 Mặc dù vậy, nhiều lãnh đạo khi biết thông tin 5 cán bộ thanh tra ATTP cấp xã, phường được yêu cầu phải là cán bộ tại chỗ, không tăng biên chế thì ai nấy đều băn khoăn “lấy đâu ra người”. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng cho rằng, đây là “nhiệm vụ khó”. Nếu như vậy, ai sẽ là người quản lý, phân công nhiệm vụ cho các tổ thanh tra, kiểm tra cấp cơ sở. Đó còn chưa kể sẽ chồng chéo trong nhiệm vụ công tác khi một người vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên vừa phải thực hiện công tác thanh tra ATTP tại cơ sở.

Bà Hoàng Hoài Loan – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) – một trong 10 xã, phường được lựa chọn triển khai thí điểm cho biết, quyết định yêu cầu cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, phường phải là công chức phụ trách nông nghiệp, kinh tế. Trong khi đó, cán bộ phụ trách kinh tế của phường hiện nay là cán bộ không chuyên trách, nếu phải thực hiện, phường không biết lấy đâu ra người để làm. Hơn nữa, nếu linh động thì những cán bộ không chuyên trách kia cũng khó có thể kiêm nghiệm, bởi mức lương của họ hiện nay rất thấp, giao thêm nhiều nhiệm vụ sẽ không thỏa đáng.

Cùng nỗi lo ấy, ông Hoàng Khang – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh) chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác quản lý ATTP là nguồn nhân lực. Bởi lẽ, đội ngũ cán bộ ở cấp xã rất hạn chế, nhất là thiếu cán bộ chuyên trách. Ông Khang còn lo lắng thêm, Trạm y tế xã Kim Chung hiện nay có 7 người, riêng tiêm phòng mỗi tháng đã mất 10 ngày, nếu mỗi tuần bố trí 1 - 2 buổi lấy người của Trạm y tế đi thanh tra ATTP thì không còn thời gian làm chuyên môn. Băn khoăn của bà Loan, ông Khang cũng là sự “đau đầu” của nhiều cán bộ quản lý phường, xã thí điểm.

Lo lạm quyền

Theo ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), lực lượng thanh tra chuyên ngành cấp quận, huyện, xã, phường sau khi thành lập được toàn quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành về ATTP trong cả 3 lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp và công thương. Đặc biệt, toàn bộ số tiền xử phạt sẽ được giữ lại tại địa phương. Theo lý giải của ông Long, cấp xã, phường có quyền được xử phạt đến 5 triệu đồng và cấp quận, huyện được phạt đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mục đích ở đây không phải là xử phạt mà nhằm răn đe để tạo thay đổi. Vậy nhưng, dù Nghị định chưa chính thức được triển khai nhưng nhiều DN đã lo lắng đây là cơ hội để các thanh tra “lạm dụng” quyền, gây khó khăn cho DN.

Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm K.L Vũ Ngọc Hiếu cho biết, thanh tra ở cấp cơ sở là việc làm cần thiết nhưng cần phải có quy chế thanh tra cụ thể chứ không nên để họ nay đến đòi kiểm tra cái nọ, mai đến hỏi cái kia, như vậy sẽ gây khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Trước những băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị các địa phương không nên sa đà vào kiểm tra giấy phép, giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn mà cần tập trung vào chất lượng ATTP. “Ngoài ra, cán bộ thanh tra đừng đi quá giới hạn, gây bức xúc cho người dân. Trước tiên nên kiểm tra, nhắc nhở, nếu tái phạm mới xử phạt” - ông Long nhấn mạnh. Nhiều người kỳ vọng, Nghị định này sẽ được thí điểm thành công tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để từ đó có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước, giảm bớt được mối lo của người dân về vấn đề mất ATTP.