Lộ, lọt mua bán dữ liệu cá nhân: Đáng báo động

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lộ, lọt mua bán dữ liệu cá nhân của người dân tại nước ta đang ở trong tình trạng đáng báo động. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác cùng nhiều hệ lụy khác đang hành hạ người dùng từ nhiều năm nay.

Ảnh chụp màn hình vụ 17GB dữ liệu người dùng Việt bị rao bán năm 2021.  
Ảnh chụp màn hình vụ 17GB dữ liệu người dùng Việt bị rao bán năm 2021.  

Khi nói về vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác đang gây rất nhiều phiền toái cho người dùng điện thoại di động, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn chứng, nhiều khi đang họp vẫn nhận được các tin nhắn, cuộc gọi rác mời chào mua bất động sản, hàng hóa. Đáng chú ý, phản ánh này được ông Vũ Hồng Thanh đưa ra cũng tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt ra câu hỏi: “Chuyện thế này xử lý thế nào để bảo vệ thông tin của người tiêu dùng?”. Đây cũng chính là thắc mắc của toàn bộ người tiêu dùng khi đã từ rất nhiều năm nay họ luôn bị hành hạ bởi các tin nhắn rác, cuộc gọi rác ngoài mong muốn.

Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, số cuộc gọi rác ghi nhận được là hơn 74 triệu, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số thực sự lớn khi Việt Nam đang có khoảng 124 triệu thuê bao di động, đồng nghĩa với việc cứ trung bình 2 sim di động sẽ chắc chắn nhận được 1 cuộc gọi rác trong thời gian qua.

Trên thực tế, đã có nhiều biện pháp mạnh được đưa vào áp dụng từ quy định của pháp luật cho đến các giải pháp kỹ thuật cao nhằm triệt tiêu vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Có thể kể đến như Nghị định 91/2020/NĐ-CP về Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác hay vận hành tổng đài 5656 và web chongthurac.vn để tiếp nhận phản ánh từ người tiêu dùng… Nhưng dường như vấn nạn này ngày càng diễn biến phức tạp và có tần suất cao hơn.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra nhằm lý giải cho tình trạng trên nhưng nổi bật trong số này là thực trạng dữ liệu cá nhân của người dùng đang không được bảo vệ một cách triệt để. Thực vậy, chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google, bất cứ ai cũng có thể tìm được các website mua bán thông tin cá nhân người dùng. Tại đó, với số tiền từ 500.000 đồng trở lên, người mua sẽ được sở hữu tập danh sách khác hàng rất chi tiết từ tên tuổi, địa chỉ cho đến số điện thoại cá nhân. Thậm chí các tập khách hàng dành cho các lĩnh vực cụ thể như y tế, bất động sản… cũng có đầy đủ.

Tình trạng này đang thực sự nghiêm trọng khi tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân cả trên thế giới và ở nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao.

Về giải pháp, Đại tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đang trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Lộ trình đến năm 2024 sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

2024 là quãng thời gian còn khá xa, do đó về ngắn hạn hơn người dùng chỉ có thể đặt hy vọng vào một chế tài pháp luật mới để bảo vệ mình đó là dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 tới đây.

Được biết, trong quá trình góp ý đối với dự thảo của luật sửa đổi nói trên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa về việc DN thu thập thông tin khách hàng rồi chia sẻ thông tin khách hàng với bên thứ ba. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người dùng. Đồng thời cần có cơ chế với các bên lưu trữ thông tin khi có sự cố làm phát sinh nguy cơ mất thông tin, việc này nhằm bảo đảm an toàn thông tin của người dân ở mức cao hơn.