3.700ha có nguy cơ bị hạn
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt từ 30 – 60mm/tháng. Kéo theo đó, dòng chảy trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 – 50%.
Lượng mưa thấp còn ảnh hưởng đến tích nước các hồ chứa. Dự kiến, trong đợt xả đầu tiên bắt đầu từ 0 giờ ngày 20/1/2020, mực nước các hồ thủy điện phục vụ cấp nước chính chỉ đạt trung bình 61% dung tích thiết kế (DTTK). Cụ thể, hồ Hòa Bình đạt 56% DTTK (mức trữ thấp nhất trong 30 năm đi vào khai thác); hồ Sơn La đạt 56% DTTK; hồ Thác Bà đạt 52% DTTK.
Vụ Xuân 2020, EVN đối diện áp lực lớn về cung cấp điện do chưa khi nào mực nước hồ Hòa Bình thấp như hiện nay. Tuy nhiên, EVN chia sẻ với ngành nông nghiệp và sẽ bảo đảm lượng nước xả trong 3 đợt từ các hồ chứa. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo điện lực các địa phương cấp điện an toàn, liên tục trong thời gian đổ ải… Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải |
Theo kế hoạch, Vụ Xuân 2020, 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy gần 529.000ha. Cục trưởng Cục Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nhận định, với diễn biến thủy văn hiện nay, sẽ có gần 7.400ha gặp khó khăn về lấy nước; tập trung chủ yếu tại 4 địa phương: Hà Nội 4.800ha; Bắc Ninh 550ha; Vĩnh Phúc 1.400ha; Phú Thọ 640ha. Đáng chú ý, khoảng 3.700ha gieo cấy lúa vụ Xuân có nguy cơ bị hạn, rất khó khăn trong việc lấy nước. Trong đó, riêng Hà Nội, diện tích có nguy cơ bị hạn chiếm tới 3.600ha; tập trung tại một số huyện như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mê Linh, Phúc Thọ, Ba Vì…
Tận dụng tối đa nguồn nước
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, các tỉnh, TP đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích canh tác lúa truyền thống, sang rau màu, cây ăn quả, cây thức ăn gia súc... Tổng diện tích chuyển đổi tại 11 địa phương khoảng 5.394ha. Trong đó, riêng Hà Nội sẽ chuyển đổi 800ha.
Đối với diện tích vẫn thực hiện gieo cấy lúa, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, TP cần tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ. Sử dụng giống lúa ngắn ngày, gia tăng lúa chất lượng cao, lúa Japonica trà Xuân muộn. Thời vụ gieo mạ từ ngày 5 – 10/2, phấn đấu hoàn thành gieo cấy vụ Xuân trong tháng 2/2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, đối với các công trình không thể vận hành hoặc hiệu suất thấp, cần có phương án tăng cường phương tiện lấy nước và điều tiết nguồn nước thay thế. Cụ thể đối với Hà Nội, ông Tỉnh đề nghị TP chỉ đạo vận hành tối đa hai Trạm bơm dã chiến Phù Sa và Thanh Điểm ngay từ đợt lấy nước đầu tiên. Trong trường hợp cần thiết, tính toán phương án điều tiết nước từ hồ Đồng Mô và hệ thống thủy lợi Liễu Sơn (Vĩnh Phúc).
Thực tế, dù diện tích canh tác lúa không quá lớn, tuy nhiên, vụ Xuân tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lại là vụ mùa chính, quyết định sản lượng nông nghiệp trong năm. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn nước cho gieo cấy vụ Xuân được Bộ NN&PTNT đánh giá là hết sức quan trọng.
Trước nhận định về nguy cơ thiếu nước cho gieo cấy vụ Xuân 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương căn cứ lịch lấy nước, xây dựng kế hoạch chi tiết để chủ động điều tiết nguồn cung, bảo đảm phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Tận dụng tối đa nguồn sinh thủy tại chỗ, nước hồi quy, tránh để lãng phí nguồn nước.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các địa phương tổ chức gieo cấy lúa là chính trong vụ Xuân tới, hạn chế tối đa việc gieo xạ vì rất tốn nước. Cùng với đó, nghiên cứu và lựa chọn các giống lúa phù hợp với từng địa phương.
Riêng đối với Hà Nội, Bộ NN&PTNT lưu ý, TP hiện còn thiếu khá nhiều máy làm đất, cũng như lực lượng lao động cho gieo cấy. Đặc biệt, còn có nhiều lễ hội kéo dài. Do đó, cần tập trung cao độ, vận động người dân thực hiện lấy nước, gieo cấy sớm nhằm bảo đảm khung thời vụ.