Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo trẻ hóa tội phạm ma túy

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lo lắng, băn khoăn về diễn biến phức tạp, ngày càng khó lường của tình hình tội phạm ma túy tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đề cập đến trong các phiên thảo luận tại nghị trường vừa qua. Qua đó, đề xuất cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.

 Tổ công tác đặc biệt Y13-141 Công an TP Hà Nội bắt giữ đối tượng tàng trữ ma túy tại giao cắt đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Nhị Tiến

Số lượng người nghiện ngày càng tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/10/2018 - 30/9/2019 đã phát hiện 23.328 vụ, 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.222kg heroin, 6.254kg ma túy tổng hợp. Mặc dù số vụ phát hiện phạm tội về ma túy giảm so với cùng kỳ năm 2018 nhưng số lượng ma túy bị thu giữ trong từng vụ đã tăng, lên đến hàng tạ, hàng tấn ma túy, làm rúng động trong dư luận. Nghiêm trọng, trong số 47 bị can thuộc 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang thụ lý điều tra, có 20 đối tượng có độ tuổi từ 18 - 20, chiếm tỷ lệ 42,55%, cho thấy tội phạm về ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên.
Cần tăng cường chế tài xử lý nghiêm khắc với tội phạm ma túy, nhất là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong lớp trẻ, các đối tượng ngáo đá. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn, dễ dàng hơn, coi cai nghiện tập trung vẫn là ưu tiên hàng đầu...
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) 
Bên cạnh đó, tình hình nghiện ma túy chưa được kiểm soát, số lượng người nghiện ngày càng tăng. Hiện có khoảng 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý và hàng trăm nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy. Đặc biệt, trong số 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý độ tuổi thanh niên từ 16 - 30 chiếm 48%, nếu tính đến 35 tuổi thì con số này là 76%. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh cũng chủ yếu tập trung vào các đối tượng là thanh thiếu niên.
Theo ĐB Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng), nhiều người sẽ không cảm thấy bất ngờ khi biết tỷ lệ tái nghiện sau cai lên đến 90%. Dẫn ra những bất cập trong hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng như cai nghiện bắt buộc, khiến hiệu quả của công tác này rơi vào bế tắc, ĐB cho rằng cần khẩn trương rà soát; sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị định quy định về quản lý người nghiện và cai nghiện ma túy hiện hành.
Còn nhiều thách thức
Chia sẻ những băn khoăn về tình hình tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, số lượng ma túy thu được trong các vụ án ngày càng lớn và nguy cơ Việt Nam trở thành một địa bàn trung chuyển; người nghiện ma túy trẻ hóa và gia tăng nhanh; tình trạng ngáo đá và nhiều đối tượng ngáo đá đã gây ra các vụ thảm án gây dư luận bức xúc; xuất hiện các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cũng cho rằng, để triệt phá tệ nạn ma túy chủ yếu trông chờ vào lực lượng chức năng, đặc biệt là ngành công an và một số lực lượng khác như biên phòng, hải quan. Kết quả đấu tranh và triệt phá các vụ ma túy lớn trong thời gian qua rất lớn và rất đáng khen ngợi nhưng phần lớn cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an xác định ma túy là tội phạm của các loại tội phạm nên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đấu tranh với loại tội phạm này. Qua các vụ án lớn vừa qua cho thấy, các đường dây ma túy đều mới hoạt động và đều được phát hiện, bắt giữ. Điều đó cho thấy, mặc dù còn có vấn đề này, vấn đề kia nhưng thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy vẫn mang lại hiệu quả. Bộ trưởng cũng chỉ ra những thách thức, đồng thời mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy để góp phần tháo gỡ những khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.