"Vấn đề rõ ràng với nó vẫn là việc xét nghiệm", William Hanage - TS, PGS dịch tễ học tại Trường Y tế cộng đồng T.H.Chan của Harvard đánh giá lộ trình 3 giai đoạn "bình thường hóa" do chính quyền Tổng thống Trump đề ra cho quốc gia trong đại dịch Covid-19.
Theo ông Hanage, tìm hiểu những gì thực sự xảy ra trong cộng đồng là phần quan trọng trong việc đối phó với đại dịch này. "Và chúng ta mới ở giai đoạn đầu", ông nói thêm.
Các hướng dẫn đề xuất do Nhà Trắng đưa ra cho thấy một số tiêu chí để bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội - hiện sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính quyền tiểu bang và địa phương.
Theo đó, các triệu chứng của cúm và Covid-19 phải cho thấy chiều hướng giảm trong 2 tuần, kèm theo giảm quỹ đạo hoặc tỷ lệ % các ca nhiễm mới. Các bệnh viện cũng phải có khả năng điều trị bệnh nhân mà không cần dùng đến các biện pháp khẩn cấp, và khả năng "mạnh mẽ" để kiểm tra các nhân viên tuyến đầu.
"Theo tôi đó là một kế hoạch khá chi tiết", Barry R. Bloom, GS về sức khỏe cộng đồng tại Harvard nói, "mặc dù không có mốc thời gian cứng, nhưng dường như họ đã nhấn mạnh trọng tâm chính là dữ liệu sức khỏe".
Tuy nhiên, vấn đề là ghi nhận dữ liệu đó bằng cách nào? Theo ông Bloom, điều đó cần một mức độ thử nghiệm cao hơn mà thời điểm này Mỹ chưa có. Ông cũng lưu ý thêm về việc chỉ chờ đợi chỉ 14 ngày để bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế, đặc biệt là trong trường hợp không có thử nghiệm trên diện rộng, vì đó có thể chỉ là "một sự tạm lắng rất ngắn".
Để có thể mở cửa quốc gia một cách tự tin, các quan chức y tế cộng đồng được cho sẽ cần biết không chỉ có bao nhiêu người đang có dấu hiệu của Covid-19, mà còn bao nhiêu người đã mắc bệnh và có bao nhiêu người có virus nhưng không có triệu chứng nào.
Điều này phù hợp với khuyến cáo 6 điểm cần và đủ để một quốc gia xem xét có nên dỡ bỏ hạn chế hay không của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho thấy yêu cầu của việc phối hợp đồng bộ khả năng truy tìm mầm bệnh và sự sẵn sàng của hệ thống y tế.