Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn khai thác đá ở Quảng Trị

MINH TÂN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù không có cá nhân, đơn vị nào được cấp phép nhưng tình trạng khai thác đá đã và đang diễn ra tràn lan ở các xã phía tây huyện Gio Linh (Quảng Trị). Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua khiến những mảnh vườn, đất trống bị đào xới nham nhở.

Tấp nập các bãi đá
Nổi tiếng với vùng đất của loại đá mồ côi (đá bazan), các xã phía tây của huyện Gio Linh như Gio An, Gio Bình… tràn ngập những xưởng chế biến, mua bán đá. Dọc tuyến tỉnh lộ 75, 76 hoặc trên các đường liên thôn là hàng loạt bãi đá được tập kết, lớn có, nhỏ có với những loại đá chẻ. Những chiếc xe tải loại 12 tấn chở đá dọc các đường tỉnh lộ luôn tấp nập vào những buổi trưa hoặc chiều muộn.
“Ngày trước, đá mồ côi đầy quanh vườn, nên ở đây đã hình thành nghề chẻ đá kiếm sống của nhiều người dân. Thế nhưng giờ đá khan hiếm, người ta phải đào xuống sâu 1,5 đến 2m mới có thể khai thác đá. Máy múc đào ầm ầm ngoài kia rồi bán cho các cơ sở làm khác. Năm này còn thôi, chứ khai thác kiểu này, năm sau đá mồ côi kiệt quệ hết rồi”, ông Trần Văn A. (xã Gio An) cho hay.
Tình trạng khai thác đá không kiểm soát khiến vùng nguyên liệu đá bazan tại các xã phía tây huyện Gio Linh (Quảng Trị) ngày càng kiệt quệ.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn người dân hoặc vườn cao su đã được chuyển đổi với danh nghĩa cải tạo đất. Từ đó, các cơ sở, đầu nậu thu mua đá có thể vô tư đưa phương tiện vào đào xới để lấy đá. Thậm chí, đá được chẻ ngay tại đây rồi cho xe tải chở đi tiêu thụ mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Việc khai thác đá diễn ra ồ ạt ở nhiều nơi và công khai, có những điểm khai thác với hàng nghìn viên đá nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Gio Linh không hề cấp phép cho cá nhân, đơn vị nào được khai thác đá tại 2 xã Gio An và Gio Bình.
Ngày 10/3, phóng viên đã ghi nhận  xe máy múc cùng các xe tải liên tục ra vào chở đá tại khu đất giáp ranh vườn cao su tại thôn Long Sơn, xã Gio An. Hàng nghìn viên đá được múc từ độ sâu khoảng 2m dưới đất rồi chất thành từng bãi tập kết 2 bên đường. Những lán trại tạm bợ cũng được dựng lên phục vụ cho việc chẻ đá nhằm chở đi nơi khác tiêu thụ.
Chiếc máy múc ngang nhiên khai thác đá giữa ban ngày.
Trong vai người đi mua đá, ông H. (người lái máy múc) đang khai thác đá chào mời: “Anh muốn mua thì mua nhanh chứ hôm qua mấy “sếp” mới vào kiểm tra. Hiện tại em bán tại đây luôn là 170 – 180.000 đồng/m3. Còn anh muốn chở đi đâu cũng được. Đây là khu vực được cấp phép cải tạo đất nhưng đã hết hạn lâu rồi, nhưng tụi em vẫn tranh thủ khai thác đá để bán. Anh muốn đá đẹp, to hơn thì qua ông Th. – “trùm” đá ở khu vực này”.
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tiếp cận bãi đá “khủng” của ông Th. (Giám đốc một công ty tại xã Gio Bình) với hàng chục nghìn viên đá lớn, nhỏ nằm ngay bên tỉnh lộ 76. Vừa lái chiếc xe tải chở đá mồ côi về bãi, ông Th. nói: “Anh muốn mua đá thì bao nhiêu cũng có, tôi hiện có cả 10.000m3. Hiện đá đẹp có giá khoảng 250.000 đồng/m3. Còn chở thì có xe chở, tùy theo quãng đường, nhưng chắc giá 120 – 150.000 đồng/m3/xe”.

Bãi đá “khủng” bày bán ngay bên tỉnh lộ 76.
Tỉnh cho phép khai thác lộ thiên, huyện cho đào xới?
Không chỉ “lách luật” theo dạng hợp đồng cải tạo đất, việc khai thác đá tràn lan ở đây đều không đúng theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, tại văn bản số 4341/UBND-TN, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho phép các cá nhân, hộ gia đình thu gom, chế biến, kinh doanh đá bazan lộ thiên, nằm rải rác trong vườn nhà, vườn đồi của các hộ gia đình, cá nhân và đất của tổ chức trên địa bàn các xã phía Tây, huyện Gio Linh. Đồng thời, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân, trước khi thu gom, chế biến, kinh doanh đá bazan phải đăng ký khối lượng, vị trí, phương tiện, thiết bị, kế hoạch thu gom, chế biến tại UBND huyện Gio Linh và thực hiện các nghĩa vụ tài chính (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường) với nhà nước theo đúng quy định.
Xe chở đá bazan trên tỉnh lộ 76.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Đăng Anh - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gio Linh, trên địa bàn xã Gio An, Gio Bình hiện thời điểm này không hề có một cá nhân, đơn vị nào được cấp giấy phép hoặc được cho phép khai thác đá, kể cả dạng cải tạo đất.
Điều đó chứng tỏ toàn bộ hoạt động khai thác, mua bán đá đang diễn ra ầm ĩ tại đây đều không được quản lý. Trong khi tỉnh chỉ đồng ý cho khai thác lộ thiên nhưng việc đào xới dưới hàng mét đất để khai thác đá diễn ra suốt thời gian qua tại đây.
Việc khai thác tràn lan, thiếu quản lý để lại những hố sâu nham nhở.
Cũng theo ông Anh, do lực lượng mỏng nên ngành chức năng không thể giám sát suốt bởi địa bàn rộng. Khi xảy ra hiện tượng khai thác đá trái phép, chính quyền cấp xã là nơi phải nắm rõ nhất. Đồng thời, sau khi ghi nhận những thông tin phóng viên phản ánh, ông Anh đã chỉ đạo cho lãnh đạo các xã và cán bộ phòng tiếp cận hiện trường, kiểm tra, xử lý.
Việc khai thác đá tràn lan, thiếu sự quản lý của ngành chức năng địa phương không chỉ khiến một lượng lớn tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, mà còn đe dọa đến nghề chẻ đá hình thành hàng chục năm qua của người dân địa phương. Bởi việc khai thác ồ ạt, thiếu quản lý đã khiến tài nguyên này càng kiệt quệ ngay chính trên vùng đất được xem là “kho đá bazan” của tỉnh Quảng Trị.