Loạt động thái cứng rắn của Nga liên quan đến vũ khí phương Tây tại Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow yêu cầu Liên Hợp quốc tổ chức cuộc họp sau khi Ukraine được “bật đèn xanh” để sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga, trong khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa.

Theo hãng tin Tass, Phái đoàn ngoại giao Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 6/6 cho biết, Moscow đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức một cuộc họp vào ngày 14/6, sau khi các nước phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí do họ hỗ trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trước đó, hôm 5/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng Moscow có thể sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để tự vệ nếu chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

RT đưa tin, tại cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) ngày 5/6, khi được hỏi về nguy cơ leo thang hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Putin cho biết: “Vì lý do nào đó mà phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga có học thuyết hạt nhân. Nếu chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, chúng tôi có thể sử dụng mọi biện pháp theo ý mình. Các nước phương Tây không nên xem nhẹ điều này”.

Học thuyết hạt nhân được Moscow công bố vào năm 2020, trong đó đặt ra quy định rằng Tổng thống Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm phản ứng trước một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc vũ khí thông thường chống lại sự tồn vong của nhà nước Nga.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin cho biết, Nga đang xem xét các biện pháp đáp trả những nước phương Tây viện trợ quân sự cho Kiev vì quân đội Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công lãnh thổ nước này.

“Chúng tôi không ảo tưởng về vấn đề này” - ông Putin nói thêm, lặp lại những bình luận trước đó rằng quân đội Ukraine có thể trực tiếp tập kích, nhưng Mỹ và các đồng minh đang cung cấp thông tin tình báo và dữ liệu mục tiêu cho Kiev.

Theo lãnh đạo Điện Kremlin, Moscow sẽ đáp trả bằng cách tăng cường hệ thống phòng không và phá hủy các tên lửa thù địch. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể cung cấp các vũ khí tương tự cho những vùng xung đột khác trên thế giới để họ sử dụng tấn công “các địa điểm nhạy cảm” của những nước viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Nga khẳng định đó là “phản ứng tương xứng”, đồng thời cảnh báo nếu phương Tây tiếp tục leo thang hành động, điều này “sẽ phá hủy hoàn toàn quan hệ quốc tế và làm suy yếu an ninh toàn cầu”.

“Nếu chúng tôi thấy các quốc gia này đang bị lôi kéo vào chiến trường tại Ukraine và đây là sự tham gia trực tiếp của họ vào cuộc xung đột chống Nga, chúng tôi có quyền hành động theo cách tương tự. Đây là công thức cho những vấn đề rất nghiêm trọng” - Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập đến thực tế là một số chuyên gia đào tạo và cố vấn quân sự từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được triển khai tới Ukraine và một vài người trong số họ đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga.

Theo ông Putin, khi các quốc gia phương Tây cung cấp cho Kiev đạn tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga, Moscow có thể đáp trả bằng cách cung cấp vũ khí tương tự cho các lực lượng nước ngoài để tấn công những người ủng hộ Ukraine.

Mỹ và các đồng minh lâu nay quả quyết việc cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine không khiến họ trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời duy trì một số hạn chế nhất định đối với việc các lực lượng Kiev sử dụng những khí tài viện trợ đó.

Đạn pháo Mỹ hỗ trợ cho Ukraine được vận chuyển lên máy bay ở Rzeszow, Ba Lan. Ảnh: RT
Đạn pháo Mỹ hỗ trợ cho Ukraine được vận chuyển lên máy bay ở Rzeszow, Ba Lan. Ảnh: RT

Tuy nhiên, vào tháng trước, khi quân đội Nga bắt đầu tiến về vùng Kharkov, Ukraine đã yêu cầu nới lỏng các quy định trên. Một chiến dịch gây áp lực do Anh dẫn đầu cuối cùng đã dẫn đến việc Washington tán thành mong muốn của Kiev.