NATO mẫu thuẫn việc Ukraine dùng vũ khí tài trợ tấn công Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Pháp và Italia đã chia sẻ quan điểm khác nhau về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí được các nước này tài trợ để tấn công Nga.

Chiến dịch tấn công của Nga vào khu vực Kharkiv phía Đông Bắc Ukraine đã thúc giục các nhà lãnh đạo phương Tây khẩn trương xem xét liệu có cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây tài trợ để tấn công các căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Nga hay không.

Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công qua biên giới vào Nga, đặc biệt là vào khu vực Belgorod. Ảnh: AFP
Ukraine thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công qua biên giới vào Nga, đặc biệt là vào khu vực Belgorod. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng với người đứng đầu NATO kêu gọi thay đổi chính sách cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani hôm 30/5 tuyên bố rằng bất kỳ loại vũ khí nào họ cung cấp cho Kiev đều không nên được sử dụng trên lãnh thổ Nga.

Cụ thể, NBC News hôm 30/5 trích dẫn hai nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề này khẳng định, một số quan chức hàng đầu của Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế về cách Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp.

Reuters đưa tin, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg hôm 30/5 cho biết đã đến lúc các thành viên của liên minh quân sự này xem xét lại các hạn chế đối với vũ khí mà họ gửi tới Ukraine.

Cụ thể, tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO, ông Stoltenberg cho biết, các đồng minh đang gửi nhiều công cụ hỗ trợ có giới hạn khác nhau tới Ukraine và bất kỳ hạn chế nào đối với sự hỗ trợ này đều là quyết định của mỗi quốc gia.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng xét theo diễn biến của cuộc chiến này... đã đến lúc phải xem xét một số hạn chế này để giúp Ukraine thực sự có thể tự vệ,” ông Stoltenberg nói. 

Quan điểm ​​về việc hạn chế vũ khí và vật tư quân sự đang bị chia rẽ giữa các đồng minh của Ukraine. Một số quốc gia, trong đó có Anh, cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tấn công trên đất Nga, trong khi Italia cho biết vũ khí do nước này cung cấp chỉ nên được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gợi ý rằng Trung Quốc có thể tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời ca ngợi Bắc Kinh vì “cách tiếp cận mang tính xây dựng”.

“Chúng tôi chia sẻ quan điểm [của Trung Quốc] rằng điều quan trọng, trước hết là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các bên”, ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông Rossiya Segodnya, theo thông tin công bố qua trang web Bộ Ngoại giao Nga. 

Bình luận của ông được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào giữa tháng 6 tới.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 30/5 cho biết, hai công ty có trụ sở tại Châu Phi có liên kết với Tập đoàn Wagner của Nga đã bị áp dụng các lệnh trừng phạt.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định, các doanh nghiệp này đã "hỗ trợ các hoạt động an ninh của Tập đoàn Wagner và các hoạt động khai thác trái phép có liên quan đến Tập đoàn Wagner ở Cộng hòa Trung Phi". Các biện pháp trừng phạt được ban hành trong nỗ lực "chống lại các hoạt động gây bất ổn của Nga ở châu Phi", thông báo của Bộ có đoạn.

Các công ty này hoạt động dưới tên Mining Industries SARLU và Logistique Economique Etrangere SARLU.

Bộ Tài chính cho biết Mining Industries đã thuê máy bay được Tập đoàn Wagner sử dụng để di chuyển nhân sự và thiết bị khắp châu Phi và nhập khẩu các hóa chất có thể được sử dụng để khai thác trái phép có liên quan đến tập đoàn này, trong khi các vật liệu mà Logistique nhận được có thể cũng được sử dụng cho hoạt động khai thác trên.