Ông Macron ủng hộ quyết định dùng vũ khí "gây tranh cãi" của Ukraine

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/5, ông Macron cho rằng Ukraine nên được phép "sử dụng mọi phương án" để bảo vệ lãnh thổ khỏi cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả thành phố thứ hai của nước này là Kharkiv.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các địa điểm quân sự trong lãnh thổ Nga. 

Ông là một trong những lãnh đạo quốc gia NATO yêu cầu dỡ bỏ các hạn chế nhắm mục tiêu do những người ủng hộ Kiev đặt ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp hội đồng bộ trưởng Pháp-Đức tại Berlin, hôm 28/5. Ảnh: EPA
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp hội đồng bộ trưởng Pháp-Đức tại Berlin, hôm 28/5. Ảnh: EPA

Trong họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 28/5, ông Macron cho rằng Ukraine nên được phép bảo vệ lãnh thổ khỏi cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả thành phố thứ hai của nước này là Kharkiv.

Tuy nhiên, ông phân biệt giữa việc tấn công các địa điểm quân sự mà Nga sử dụng để tấn công Ukraine và các cơ sở quân sự khác. “Chúng ta phải cho phép họ vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được phóng đi ...Nhưng không thể cho phép các mục tiêu khác ở Nga bị tấn công, phải làm rõ là mục tiêu dân sự hoặc quân sự”.

Ông Macron đã thể hiện lập trường tương tự vào tháng 2 khi cho rằng không nên loại trừ việc điều quân đội phương Tây, điều vấp phải phản đối từ Đức và một số quốc gia thành viên NATO khác. 

Ukraine từ lâu đã bày tỏ mong muốn phương Tây cho phép sử dụng vũ khí được tài trợ để tấn công các mục tiêu của Nga. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 28/5 cũng tăng cường thúc giục động thái này. 

Các quan chức Ukraine cho biết cuộc tấn công xuyên biên giới của Nga vào tỉnh Kharkiv, phía Đông Bắc đất nước, hồi đầu tháng này cho thấy tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các hạn chế về quân sự. Moscow đã có thể tập trung quân và thiết bị cho cuộc tấn công từ phía biên giới Nga, biết rằng họ không thể bị tấn công bằng các loại đạn dược tầm xa hơn do phương Tây cung cấp, chẳng hạn như tên lửa dẫn đường chính xác phóng từ mặt đất Atacms.

Đã có nhiều lời kêu gọi từ một số quan chức phương Tây, bao gồm cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, về việc thay đổi chính sách.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, Mỹ đặc biệt lo ngại rằng các cuộc tấn công của Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa được cung cấp từ kho vũ khí của họ sẽ bị Moscow coi là dấu hiệu leo thang không thể chấp nhận được. Nhà Trắng cho biết họ không "khuyến khích" hoặc "cho phép" các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các mục tiêu bên trong Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao của Mỹ, trong nội bộ chính quyền Biden, Antony Blinken, ngoại trưởng, gần đây đã thúc đẩy một sự thay đổi trong chính sách này. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong Nga bằng vũ khí tiên tiến của phương Tây có thể gây leo thang cuộc xung đột đã kéo dài hai năm và dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”.

Tổng thống Nga hôm 28/5 cho rằng các thành viên NATO, đặc biệt là ở châu Âu, cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine nên “thừa nhận với chính mình những gì họ đang toan tính”. Ông ám chỉ rằng Moscow có thể đáp trả.

Pháp đã cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Scalp, tương đương với tên lửa Storm Shadow của Anh, và bom dẫn đường chính xác có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Đức chưa cung cấp cho Ukraine bất kỳ tên lửa tầm xa nào, được gọi là Taurus, mặc dù Berlin đang chịu áp lực phải làm như vậy.

Mặt khác, Thủ tướng Đức Scholz hôm 28/5 đã ra tín hiệu ủng hộ Ukraine cùng với ông Macron, cho rằng Ukraine có mọi quyền "theo luật pháp quốc tế" để tấn công các mục tiêu ở Nga để tự vệ.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ukraine mới chỉ sử dụng tên lửa tự chế và máy bay không người lái tầm xa để tấn công các mục tiêu ở Nga.