Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga cáo buộc Mỹ muốn kéo dài xung đột tại Ukraine 

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Nga tại Mỹ kêu gọi Mỹ chấp nhận tình hình thực tế trên chiến trường Ukaine và ngừng hỗ trợ quân sự cho Kiev “càng sớm càng tốt”.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: RT
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: RT

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 24/5 tuyên bố, Mỹ dường như không quan tâm đến nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraine, thay vào đó Washington đang muốn kéo dài cuộc xung đột hiện tại khi liên tục viện trợ quân sự cho Kiev.

“Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một gói hỗ trợ thiết bị quân sự cho Kiev trùng thời điểm Tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàn đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine. Điều này cho thấy Washington dường như không muốn hòa bình ở châu Âu, chỉ mong muốn kéo dài cuộc xung đột hiện tại và gia tăng thương vong cho cả Nga và Ukraine” – đài Sputnik dẫn phát biểu của Đại sứ Antonov tại cuộc họp báo hôm 24/5.

Theo ông Antonov, Mỹ gần đây đã ám chỉ rằng nước này đang cân nhắc việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Truyền thông Mỹ trong tuần này đưa tin các quan chức Mỹ đang tranh luận về việc rút lại đề xuất cấm Ukraine dùng vũ khí được viện trợ để tấn công Nga, do đề xuất này có thể cản trở nghiêm trọng đến khả năng tự vệ của Kiev.

Đồng thời, quan chức ngoại Nga kêu gọi Washington thừa nhận tình hình chiến sự “trên thực địa” và chấm dứt việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng Nga sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Ukraine để giải quyết tình trạng thù địch. Ông Putin cũng tuyên bố, các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine phải dựa trên “lẽ thường tình” và thừa nhận “thực tế”, đồng thời lấy thỏa thuận sơ bộ đạt được từ đầu cuộc xung đột làm nền tảng.

Tổng thống  Nga Vladimir Putin dự họp báo sau khi tiến hành hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại Minsk ngày 24/5. Ảnh: RT
Tổng thống  Nga Vladimir Putin dự họp báo sau khi tiến hành hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại Minsk ngày 24/5. Ảnh: RT

“Nhưng đàm phán với ai? Đó là một câu hỏi đặc biệt, tôi đồng ý. Chúng tôi nhận thấy rằng tính hợp pháp của người đứng đầu đương nhiệm nhà nước (Ukraine) đã không còn nữa” – Tổng thống Putin nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko sau cuộc hội đàm tại Minsk ngày 24/5.

Theo đài RT, nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hết hạn hôm 20/5, trong khi bầu cử không được tổ chức với lý do thiết quân luật mà Kiev đã tuyên bố ngay từ đầu trong cuộc xung đột với Nga.

Hiến pháp Ukraine nghiêm cấm tổ chức bầu cử Quốc hội trong những trường hợp như vậy, nhưng lại không đề cập đến bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, trong khi ấn định thời hạn của nhiệm kỳ tổng thống, Hiến pháp cũng quy định rằng quyền lực được chuyển giao vào thời điểm tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức.

Tuyên bố trên được Đại sứ Nga tại Mỹ đưa ra sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 275 triệu USD cho Ukraine. Tờ Pravda cho biết, đây là gói hỗ trợ an ninh thứ năm kể từ khi chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) dành cho Ukraine và các đồng minh được Quốc hội thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký.

Theo Lầu Năm Góc, gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ bao gồm: đạn dược cho HIMARS; đạn pháo 155mm và 105mm, đạn cối 60mm, tên lửa phóng bằng ống, dẫn đường bằng quang học, đạn trên không có độ chính xác cao và các thiết bị phụ trợ khác...

Trước đó Washington đã thông báo chuyển 6 tỷ USD theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh của Ukraine, số tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán cho các hợp đồng dài hạn với ngành quốc phòng Mỹ.

Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã đóng góp khoảng 51 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev.

Washington bày tỏ hy vọng rằng viện trợ quân sự mới trị giá gần 61 tỷ USD  được Quốc hội Mỹ thông qua theo thời gian sẽ giúp lực lượng vũ trang Ukraine giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Theo Lầu Năm Góc, đợt viện trợ mới nhất nhằm giúp Kiev giải quyết “nhu cầu khẩn cấp trên chiến trường” trong bối cảnh các lực lượng của Nga đang chiếm ưu thế tại khu vực Donbass và vùng Kharkov.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, hiện còn quá sớm để biết liệu nguồn tài trợ bổ sung cung cấp cho Ukraine có phát huy hiệu quả trên chiến trường hay không, vì việc này sẽ mất thời gian.

Cũng trong ngày 24/5, Đức cũng thông báo đã chuyển giao một hệ thống phòng không IRIS-T khác cho Ukraine. Đây là hệ thống đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực tế ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Đức dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius trên Twitter (X), cho biết: "Chúng tôi một lần nữa đã chuyển giao cho Ukraine hệ thống hỏa lực kết hợp IRIS-T SLM và IRIS-T SLS - một hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn cực kỳ hiện đại và đã được chứng minh do ngành công nghiệp Đức trực tiếp chế tạo".

Hôm 23/5, Đức đã chuyển một đợt hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm đạn pháo, xe tăng Leopard 1 AP, súng máy, máy bay không người lái, súng trường và đạn dược.