Vẫn đang rà soát quy hoạch đất cây xanh
Đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa đặt vấn đề, HĐND đã có Nghị quyết số 21 (Nghị quyết được ban hành dưa trên yêu cầu thực tế có quá nhiều quy hoạch cây xanh chồng lên khu dân cư, nhà đất của dân nhưng kéo dài nhiều năm không thể thực hiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân - PV) đề ra mục tiêu giải quyết các dự án chậm triển khai, thế nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều dự án quy hoạch đất công viên cây xanh chậm triển khai làm lãng phí tài nguyên, vậy hiện nay có bao nhiêu dự án được thu hồi, bao nhiêu dự án được thay thế?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, trong quy hoạch sử dụng đất một số khu vực được quy hoạch làm đất công viên, cây xanh, đất khu dân cư hỗn hợp, khu dân cư xây dựng mới… Trong đó, loại đất được quy hoạch đất hỗn hợp là nhằm làm mềm hóa quy hoạch địa phương, tùy theo tình hình thực tế và tạo dư địa (linh hoạt) để cho địa phương phát triển trong tương lai.
Trong quy hoạch loại đất này có khả năng là cây xanh, cũng có khả năng là công cộng nhưng chưa được chi tiết hóa. Về hướng xử lý, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang phối hợp với các quận, huyện rà soát, xem xét cho phù hợp, nếu bất cập thì điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của bà con. Ông Nguyễn Thanh Nhã không đưa ra được con số cụ thể là bao nhiêu dự án bị thu hồi, hoặc điều chỉnh thay thế theo như yêu cầu của đại biểu.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cung cấp một số thông tin liên quan đến việc xử lý các dự án chậm triển khai. Theo đó, hiện nay TP thực hiện 2 nghị quyết về quản lý đất đai. Đối với Nghị quyết 16, TP xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương do chậm thực hiện. Đối với Nghị quyết 21, TP đã rà soát trên 2.800 dự án, 180 dự án trình thu hồi chủ trương. Hiện TP chia 3 nhóm dự án với 4 giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này.
Trong phiên chất vấn buổi chiều, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã có phần giải đáp xung quanh vấn đề quy hoạch treo và dự án treo làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận: “Quy hoạch không khả thi đầu tiên là đã làm khổ dân. Dù pháp luật không cấm mua bán nhưng không ai lại bỏ tiền đi mua nhà ở trong quy hoạch”. Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, quy hoạch xây dựng công viên cây xanh kéo dài không thực hiện khiến người dân rất bức xúc, cần rà soát để điều chỉnh các quy hoạch này để đảm bảo tính khả thi là điều rất cần thiết.
Về phương hướng xử lý đối với các loại dự án kéo dài và quy hoạch treo, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết đối với dự án đã có quy hoạch nhưng “treo” không triển khai thì TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận huyện rà soát.
Kết quả là có 188 dự án thuộc diện này. Sắp tới, TP sẽ công bố việc thu hồi và công bố các dự án này. Đối với các dự án kéo dài không triển khai như Rạch Xuyên Tâm, Bình Quới – Thanh Đa, Safari, đường vành đai 3… Nếu bỏ dự án này thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế xã hội của TP, nhưng nếu để kéo dài không thực hiện thì sẽ làm khổ người dân… Vì vậy, cần tách các dự án giải toả bồi thường ra riêng để dễ thực hiện và đảm bảo được quyền lợi của người dân…
“Bó tay” với phòng khám bác sĩ Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, tình trạng phòng khám Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân đang diễn ra ngang nhiên, trong một thời gian dài. Chẳng hạn, phòng khám Trung Trực trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, dường như cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Giám đốc Sở y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, trên địa bàn TP có 12 phòng khám Trung Quốc. Sở Y tế đã nhận được nhiều ý kiến tố giác các phòng khám này và cũng đã chỉ đạo kiểm tra nhiều lần. Các sai phạm của các phòng khám thường là thiếu nhân lực, có bác sỹ đăng ký nhưng khi thực hiện khám bệnh cho người dân thì lại không có bác sỹ. Các hồ sơ sổ sách liên quan đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân đều không có… Đa phần các phòng khám Trung Quốc đều ít nhiều có gây bức xúc đối với bệnh nhân cũng như dư luận nhưng việc xử lý vi phạm của các phòng khám Trung Quốc hiện nay còn nhiều bất cập.
Về chiêu thức hoạt động, lừa gạt bệnh nhân, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, khi người bệnh đến khám, họ cũng chiếu lên màn hình bàng quang nhưng đó không phải của người bệnh. Người đến khám không có bệnh nhưng cũng nói có bệnh để thu tiền. Họ sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, thậm chí ngay cả cán bộ kiểm ra cũng không thể nhận biết được.
Nói về các khó khăn khi xử lý các phòng khám Trung Quốc, ông Nguyễn Tấn Bỉnh dẫn ra, phòng khám Trung Quốc dùng quảng cáo online để lừa người dân, tuy nhiên hiện nay, Bộ Thông tin truyền thông cũng chưa có quy định xử phạt những hành vi quảng cáo này. Các bác sỹ người Việt cộng tác với các phòng khám có ghi tên nhưng thực tế là không khám bệnh ở đây. Chính các bác sỹ này cũng tiếp tay cho các phòng khám Trung Quốc lừa đảo…
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận: “Với những bất cập hiện nay, các hành vi của các phòng khám này đủ để xử phạt và đình chỉ hoạt động sáu tháng, sau đó họ tiếp tục hoạt động trở lại. Sở đã đình chỉ ba phòng khám từ bốn tháng rưỡi đến sáu tháng, sau sáu tháng thì họ mở lại. Có khi, đình chỉ thì họ lại mở phòng khác để người khác đứng tên. Nếu rút giấy phép hành nghề của bác sỹ Trung Quốc vi phạm thì họ lại đưa người khác sang…”
Về hướng xử lý trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Bỉnh có kiến nghị Bộ Y tế cần tăng mức xử phạt cao hơn; cần có các phần mềm để phát hiện những hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Đối với các bác sỹ đăng ký chữa bệnh tại các phòng khám này, nếu kiểm tra mà không có bác sỹ khám bệnh sẽ rút giấy phép hành nghề. Đối với các phòng khám đã bị đình chỉ muốn hoạt động trở lại thì phải thông qua thẩm định của hội đồng chuyên môn…