Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay hướng xử lý​

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị, trật tự ATGT, Sở GTVT vừa triển khai kế hoạch giải tỏa, tháo dỡ hệ thống các biển quảng cáo, biển chỉ dẫn sai quy định trên địa bàn TP.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết tận gốc tình trạng trên hiện vẫn là bài toán nan giải.

"Hoa mắt" với biển quảng cáo

Theo thống kê của Sở GTVT, trên các tuyến đường chính như Cát Linh, Phạm Ngọc Thạch, Giang Văn Minh, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Khoái… hiện có hơn 200 biển quảng cáo, biển chỉ dẫn các loại nhưng chỉ có khoảng 10 điểm có giấy phép. Tại những vị trí này, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn được cắm, căng rất tùy tiện gây khuất tầm nhìn và  cản trở giao thông, đồng thời ảnh hưởng lớn tới mỹ quan đô thị. Chỉ tính riêng 4 tuyến phố: Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Giang Văn Minh và Nguyễn Khoái với hơn 40 điểm quảng cáo, biển chỉ dẫn bố trí sai quy định.
  Nhiều biển quảng cáo trên phố Xã Đàn gây mất mỹ quan đô thị.    Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều biển quảng cáo trên phố Xã Đàn gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Quỳnh Anh
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh Thanh tra Sở GTVT, Điều 27, Luật Quảng cáo nêu rõ, việc đặt bảng quảng cáo, băng - rôn phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang ATGT, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông, và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát vấn nạn này hiện chưa có được kết quả như mong đợi. Trên nhiều tuyến phố, tình trạng những tấm biển quảng cáo, biển chỉ dẫn với đủ kích cỡ, màu sắc, kiểu chữ, cái trước "đè" cái sau, cái sau "ngoi" lên cái trước, che khuất biển báo giao thông vẫn còn phổ biến. Biển báo đặt sai quy định đua nhau mọc lên như "nấm sau mưa". Thậm chí, tại một số nơi, những dải băng - rôn, biển quảng cáo dù đã "hết hạn" nhưng vẫn không được hạ xuống.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng trên đã và đang diễn ra ngày càng phổ biến tại những ngõ ngách trong khu vực nội thành. Tại đây, từ tường nhà, đến dây điện, cột điện đều trở thành nơi trưng biển quảng cáo, rao vặt các loại hình dịch vụ như lắp đặt internet, sửa chữa ti vi, đồ điện gia dụng… Bà Nguyễn Thị Phương (phường Phương Liệt, Đống Đa) cho biết, không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, việc biến đường dây điện thành nơi treo biển quảng cáo khiến nguy cơ xảy ra chập điện trong khu dân cư tăng cao. Thực tế, UBND phường cũng đã nhiều lần ra quân làm sạch, xử phạt các trường hợp vi phạm, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng trên lại tái diễn.

Chưa thống nhất phương án xử lý

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều cán bộ Thanh tra GTVT trên địa bàn TP cho rằng, không phải đợi có kế hoạch các lực lượng chức năng mới ra quân xử lý những trường hợp lắp đặt, cắm, chăng biển quảng cáo, biển chỉ dẫn, băng - rôn sai quy định. Tuy nhiên, để xử lý tình trạng trên cần phải có những biện pháp căn cơ và dài hạn hơn nhằm tránh tình trạng hôm nay vừa xử lý, ngày mai vi phạm lại tái diễn.
 
Theo ông Trần Việt Hải - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Hai Bà Trưng, hiện việc xử lý những vi phạm liên quan đến việc đặt biển quảng cáo, biển chỉ dẫn mới chỉ dừng lại ở phần "ngọn", trong khi phần "gốc" - là nhu cầu của người dân thì chưa xử lý được. Do đó, giải pháp có thể tính tới là cần xây dựng một hệ thống biển báo tập trung, giao cho một đơn vị chuyên trách khai thác, quản lý biển gom, từ đó thống nhất kích cỡ, màu sắc các loại biển báo nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.
Hai tấm biển chỉ dẫn cách nhau hơn chục mét trên đường Thái Hà.     Ảnh: Trình nguyễn
Hai tấm biển chỉ dẫn cách nhau hơn chục mét trên đường Thái Hà. Ảnh: Trình nguyễn
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Từ Liêm lại cho rằng, biện pháp nêu trên không khả thi. Theo lý giải của ông Đức, việc thành lập hệ thống biển gom sẽ biến các tấm biển gom thành biển quảng cáo cỡ lớn. Ngoài ra, trong điều kiện giao thông như hiện nay ở Hà Nội, nếu bố trí thêm các tấm biển báo cỡ lớn tại các ngã ba, ngã tư sẽ gây cản trở tầm nhìn, mất ATGT, nguy hiểm đối với những hộ dân sống trong khu vực dựng biển gom.

Có thể thấy, việc quản lý hệ thống biển quảng cáo hiện vẫn là bài toán khó đối với ngành chức năng của TP. Để giảm thiểu vi phạm và đưa việc quảng cáo đi vào nền nếp, rất cần sự tham gia của các ban ngành chức năng ở địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, cần kiên quyết xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm làm cơ sở răn đe.