Trăn trở mưu sinh
Thôn Đại Thần, xã Đồng Tháp là nơi cư trú của phần lớn xã viên HTX Thủy sản Đại Thọ. Bà Lê Thị Nội, 53 tuổi, một xã viên HTX thật thà chia sẻ, dù đã được nhận hơn 70 triệu đồng tiền hỗ trợ giải quyết việc làm của TP nhưng bà luôn canh cánh nỗi lo tìm việc làm. Không nghề phụ, không có diện tích đất sản xuất, con trai bà Nội phải đi lái taxi. Còn cô con dâu chật vật mãi mới xin được việc làm trong một khu công nghiệp gần nhà. "Lớp trẻ tìm việc còn dễ, nhưng lứa tuổi trung niên hầu hết rất khó tìm việc làm vì các công ty, xí nghiệp không tuyển dụng" - bà Nội tâm sự.
Không có việc làm, nhiều người dân Đại Thần phải xoay sang chạy chợ, buôn bán nhỏ hoặc đi làm thuê ở nơi khác. Với 4 nhân khẩu được hưởng chính sách hỗ trợ, nhận số tiền hơn 100 triệu đồng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh vừa mừng, vừa lo. Theo anh Vinh, mừng vì TP quan tâm đến đời sống người dân sau khi không còn diện tích mặt nước sản xuất. Còn lo là vì khi tiêu hết số tiền ấy thì lấy gì mưu sinh và nuôi 3 đứa con ăn học? Hiện tại, hàng ngày, anh Vinh rong ruổi khắp các hồ, đầm cá trong vùng mua cá về cho vợ đi chợ bán. Hết buổi, hai vợ chồng lại kéo nhau... đi chơi, vì chẳng có việc gì để làm!
Thiếu việc làm đang là tình trạng chung của nhiều xã viên HTX Thủy sản Đại Thọ. Trước đây, HTX được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 202/QĐ-UBND cho phép quản lý chiều dài 2km trên sông Đáy để nuôi cá, phân chia thành 3 đội sản xuất. Tuy nhiên, từ năm 2005, khi có dự án xây dựng công trình thủy lợi đầu mối Hát Môn – Đập Đáy, nhiều diện tích mặt nước sông Đáy của HTX bị thu hồi, dẫn tới hoạt động nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Đến nay, hầu hết xã viên không còn sản xuất thủy sản, buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp.
Mong muốn ổn định
HTX Thủy sản Đại Thọ có gần 1.000 xã viên với diện tích mặt nước sản xuất 44ha. Cách đây vài ba năm, một số hộ dân vẫn còn tận dụng diện tích mặt nước để nuôi thả cá lồng, bè. Tuy nhiên, giờ đây, mặt sông Đáy bị bao phủ bởi một lớp bèo dày đặc, nguồn nước sông cũng bị ô nhiễm. Khác với các thôn trong vùng đồng có đất ruộng sản xuất, thu nhập của xã viên HTX Thủy sản Đại Thọ giờ đây hoàn toàn phụ thuộc khả năng tự lực mưu sinh. Ông Nguyễn Ngọc Mậu - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đại Thọ cho biết, về mặt tinh thần, người dân rất ủng hộ chủ trương của Nhà nước thu hồi diện tích nuôi trồng thủy sản để phục vụ dự án làm sống lại dòng sông Đáy. Thế nhưng, mối lo hiện nay là giải quyết bài toán việc làm cho xã viên. Bởi thực tế, xã viên không có đất sản xuất, trong khi về mặt vị trí, do nằm dưới gầm cầu Phùng, việc buôn bán, kinh doanh của người dân cũng không mấy thuận lợi. Hiện tại, có khoảng 50 - 60% xã viên chuyển sang làm nghề buôn bán, chạy chợ, làm thuê nhưng thu nhập không ổn định, còn số xã viên độ tuổi trung niên không tìm được việc làm.
Thực tế, thời gian qua, Phòng LĐTB&XH huyện Đan Phượng đã phối hợp với xã Đồng Tháp tổ chức một số lớp dạy nghề, song vẫn chưa thu hút được xã viên tham gia do nghề chưa phù hợp với người dân. Trước khó khăn của xã viên, HTX cũng đề nghị được tiếp tục nuôi thả cá đối với những diện tích mặt nước không làm ảnh hưởng đến dòng chảy (hiện còn khoảng 20ha) để tạo việc làm cho xã viên.
Bè cá của xã viên HTX Thủy sản Đại Thọ trên sông Đáy. Ảnh: Quang Thiện
|