Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay với dồn điền đổi thửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân thôn Mạnh Tân (xã Thụy Lâm, Đông Anh) đang rất bức xúc vì sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn vẫn chưa hoàn tất, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.

Hệ lụy từ chậm trễ

Chỉ tay về phía cánh đồng lớn cỏ mọc um tùm, ông Kim Văn Huy – Trưởng thôn Mạnh Tân chia sẻ, nhiều năm qua, gần 25 mẫu đất nông nghiệp của địa phương bị người dân bỏ hoang, không canh tác. Nguyên nhân do nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa DĐĐT nên thủy lợi nội đồng chia cắt khiến việc cung cấp nguồn nước tưới, tiêu bị ảnh hưởng, việc canh tác của người dân gặp nhiều khó khăn. “Giá trị sản xuất nông nghiệp vốn đã không cao, nay lại nhiều khó khăn, người dân không bỏ ruộng mới lạ…” – bà Trịnh Thị Phương, người dân trong thôn bức xúc cho biết. Bên cạnh đó, việc chậm DĐĐT những năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng do ứng dụng cơ giới hóa không thể tiến hành đồng bộ.
Loay hoay với dồn điền đổi thửa - Ảnh 1
Ở thôn Mạnh Tân nói riêng, xã Thụy Lâm nói chung hiện có nghề phụ là chế biến đồ thủ công mỹ nghệ cho thu nhập khá nên người dân bỏ bê đồng ruộng, gây lãng phí lớn. Phần diện tích còn tiến hành canh tác chủ yếu thuộc những hộ không có thu nhập từ nghề phụ. Được biết, toàn xã Thụy Lâm có khoảng 665ha đất nông nghiệp thì đến nay đã cơ bản hoàn tất DĐĐT tại tất cả các thôn, trừ khoảng 50ha tại thôn Mạnh Tân. Việc chậm DĐĐT khiến sản xuất nông nghiệp trì trệ, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập khiến bà con nông dân nơi đây vô cùng bức xúc và đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của cán bộ địa phương. 

Vào cuộc chưa quyết liệt?

Theo chia sẻ của nhiều người dân thôn Mạnh Tân, sở dĩ chưa thể DĐĐT diện tích đất nông nghiệp trên bởi hiện có 12 hộ đang sử dụng trái phép đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ. Ông Huy cho biết, thôn đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Thụy Lâm đề nghị giải quyết, nhưng lãnh đạo xã khất lần, xử lý thiếu kiên quyết, để sự việc kéo dài suốt nhiều năm qua khiến người dân vô cùng bức xúc.

Liên quan tới vi phạm của 12 hộ dân, theo ông Nguyễn Hữu Tửu – Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, xã đã có văn bản đề nghị huyện bố trí lực lượng để tổ chức cưỡng chế. Trong văn bản ngày 29/10/2015, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cũng đã cho ý kiến: Đồng ý chủ trương thực hiện xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Yêu cầu UBND xã làm việc, thống nhất với Công an huyện để cử lực lượng đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, Công an huyện Đông Anh lại có văn bản phản hồi rằng: Chưa đủ cơ sở pháp lý để tổ chức lực lượng cưỡng chế.

Nhằm đẩy nhanh công tác DĐĐT trên địa bàn xã, ông Tửu cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với Phòng TN&MT huyện, hoàn chỉnh văn bản cần thiết theo đề nghị của Công an huyện. Dù vậy, việc cưỡng chế cũng chỉ có thể thực hiện sau Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016.

Trước những kiến nghị chính đáng của người dân thôn Mạnh Tân, thiết nghĩ lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, xã Thụy Lâm cần vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác DĐĐT, nhằm sớm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của người dân. Đó cũng là mục tiêu hướng tới của chương trình xây dựng NTM để người dân là chủ thể được thụ hưởng những thành quả của chương trình mang lại.