Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi dụng tín nhiệm, nữ cán bộ quận chiếm đoạt tiền tỷ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có một công việc ổn định, nhưng vì “ham làm giàu” mà Nguyễn...

Kinhtedothi - Mặc dù đã có một công việc ổn định, nhưng vì “ham làm giàu” mà Nguyễn Giáng Hương (SN 1966, ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) – nguyên cán bộ Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm vay tiền của nhiều người quen đầu tư vào chứng khoán và đất đai để rồi nhanh chóng bị “trắng tay”.

Và khi mất khả năng thanh toán, nữ cán bộ này đã lập tức bỏ trốn cùng khoản nợ lên đến gần chục tỷ đồng. Vậy thủ đoạn chiếm đoạt của Hương như thế nào và số tiền chiếm đoạt của từng người là bao nhiêu sẽ được chúng tôi làm rõ trong bài viết dưới đây.

Lợi dụng “tình cảm” của người quen…

Mới đây, khi TAND TP Hà Nội đưa vụ việc Nguyễn Giáng Hương ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Theo truy tố, trong thời gian từ tháng 2 - 4/2011, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội nhận được đơn của bà Đ.T.T.N (SN 1952, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng 6 người khác tố cáo Hương có hành vi vay tiền của các bị hại rồi bỏ trốn.
Bị cáo Nguyễn Giáng Hương tại phiên tòa.	 Ảnh: Thiên Bình
Bị cáo Nguyễn Giáng Hương tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình
Qua điều tra, cơ quan công an xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2009 - 1/2011, khi Hương còn là cán bộ Nhà văn hóa quận Hoàn Kiếm đã vay tiền của 6 người quen biết để kinh doanh, buôn bán. Đến khoảng tháng 2/2011, Hương bỏ trốn và không trả lại tiền cho các bị hại.

Cụ thể, vào thời điểm năm 2009, khi đó thị trường chứng khoán và bất động sản sôi động nên Hương đã liên tục vay mượn tiền của nhiều người để đầu tư. Khi được Hương hứa trả thêm 7,5 triệu đồng/tháng sau lãi vay ngân hàng, ngày 13/1/2009, bà Đ.T.T.N. (hàng xóm của mẹ chồng Hương) liền mang “sổ đỏ” đến thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Tây Hồ vay 800 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, bà N. giao hết cho Hương để làm ăn.

Trong phiên xét xử, Hương khai nhận, thời gian đầu vay mượn đều trả tiền lãi hàng tháng sòng phẳng. Vì thế mà trong năm 2010, bà N. tiếp tục nhiều lần cho Hương vay thêm với tổng số tiền 500 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ đến tháng 2/2011, bà N. bắt đầu phải thay người quen trả lãi ngân hàng hàng tháng và sau đó là phải tự mình tất toán khoản nợ 800 triệu đồng với tổ chức tín dụng do bị Hương “bùng” nợ và bỏ trốn. Tổng cộng, cựu cán bộ làm công tác văn hóa ở quận Hoàn Kiếm đã chiếm đoạt của bà N. là 1,2 tỷ đồng (cả tiền lãi).

Có mặt tại phiên xét xử, bà N. cho hay, bà là hàng xóm của mẹ chồng bị cáo Hương và bà xem Hương như là con cháu trong nhà. Từ khi Hương bỏ trốn, bà N. phải đứng ra “gồng gánh” để trả nợ ngân hàng. Cũng theo bà N., một số bị hại có mặt ở phòng xử án cũng vì tin tưởng bà mà cho Hương vay tiền. Bà N. cho biết, Hương đã cầm sổ đỏ mà bà cho mượn đi ra ngân hàng cầm cố rồi về “khoe” với các bị hại. Để rồi, từ sự tin tưởng này mà các bị hại đã bị Hương chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, Cáo trạng truy tố cũng thể hiện, với lý do làm ăn lớn, Hương lần lượt hỏi vay tiền của 5 cá nhân khác và họ đều là những người có mối quan hệ thân quen với bị cáo. Cụ thể, năm 2005, chị N.T.B.L (SN 1974, phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm) do có quen biết nên đã cho Hương vay lãi nhiều lần để kinh doanh và được Hương trả đầy đủ. Vì vậy, từ tháng 4/2010 - 1/2011, chị L. cho Hương vay 10 lần với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Mỗi lần vay tiền, giữa Hương và chị L. đều có viết giấy biên nhận. Tuy nhiên, đến tháng 2/2011, Hương bỏ trốn và không trả tiền vay trên cho chị L. Tại cơ quan điều tra, Hương khai nhận, có vay số tiền trên của chị L. với lãi suất thỏa thuận từ 3 - 5%/tháng và thời hạn vay là 3 tháng. Hương đã nhiều lần trả số tiền đã vay và chỉ còn nợ chị L. khoảng 400 triệu đồng. Nhưng nếu chị L. khai còn nợ gần 1,4 tỷ đồng thì Hương chấp nhận khoản nợ trên.

Tiếp đó, do có quen biết và chơi thân với nhau từ trước nên đầu tháng 12/2010, chị Đ.T.N.H (SN 1956, ở quận Ba Đình, Hà Nội) có cho Hương vay 3 lần với số tiền là 455 triệu đồng để mua chung cư và chơi chứng khoán. Đến tháng 1/2011, chị H. tiếp tục cho Hương vay nhiều lần để kinh doanh với tổng số tiền là 700 triệu đồng. Chị H. cho Hương vay số tiền trên không có lãi và thỏa thuận khi cần tiền thì báo trước 10 ngày Hương sẽ trả. Hiện, Hương còn nợ chị H. hơn 1,1 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, Hương thừa nhận, có vay của chị H. số tiền nói trên và hàng tháng đều trả cả lãi lẫn gốc cho chị H. nhưng lại không có giấy tờ cũng như không nhớ cụ thể số tiền đã trả.

Cũng giống như chị H., vì có quen biết từ lâu do gần nhà mẹ đẻ của Hương nên từ tháng 11/2010 – 1/2011, chị B.T.K.Oanh (SN 1973, ở phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) có cho Hương vay lãi nhiều lần để kinh doanh với tống số tiền lên đến 850 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, chị Oanh khai nhận, chị có vay tiền của nhiều người rồi cho Hương vay lại với tổng số tiền là 850 triệu đồng để được hưởng tiền lãi chênh lệch với lãi suất thỏa thuận từ 10 - 15% và thời hạn vay từ 5 ngày đến 1 tháng hoặc 10 kỳ (mỗi kỳ bằng 10 ngày). Hương đã trả được 210 triệu đồng tiền gốc (không có giấy tờ) và tiền lãi cho chị Oanh (không nhớ số tiền cụ thể). Theo chị Oanh, hiện Hương còn chiếm đoạt 640 triệu đồng. Tuy nhiên, Hương lại khai nhận, có vay của chị Oanh nhiều lần với lãi suất không cố định. Tổng số tiền mà Hương vay của chị Oanh chỉ là 760 triệu đồng, có viết giấy vay tiền. Hiện, Hương đã trả cho chị Oanh số tiền 120 triệu đồng và còn nợ 640 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự là lợi dụng mối quan hệ quen biết, năm 2006, chị T.T.T.B (SN 1973, ở Đội Cấn, quận Ba Đình) nhiều lần cho Hương vay tiền để kinh doanh và đã thanh toán đầy đủ. Tháng 10/2009, chị B. đưa cho Hương 200 triệu đồng để góp vốn chung mở cửa hàng nhưng do kinh doanh không hiệu quả nên đã bán cửa hàng được 400 triệu đồng nhưng đến nay Hương vẫn chưa trả cho chị B. 200 triệu đồng tiền góp vốn trên. Tiếp đó, tháng 1/2010, chị B. có đưa cho Hương 56.000 USD để góp vốn mua chung một lô đất ở Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) với giá khoảng 5 tỷ đồng (không có giấy tờ, không rõ vị trí đất).

Một tuần sau, Hương nói với chị B. là không mua được và để mua đất chỗ khác, nhưng đến nay Hương không mua đất và cũng không trả lại số tiền trên cho chị B. Ngoài ra, tháng 10/2010, chị B. còn cho Hương vay 400 triệu đồng (không có giấy tờ) và có lãi, thỏa thuận thời hạn trả 3 - 4 tháng. Sau đó, Hương có bán cho chị B. một xe máy Honda SH với giá 100 triệu đồng để trừ vào khoản nợ đã vay. Tuy nhiên, khi chị B. đòi tiền Hương nhiều lần nhưng vẫn bị khất lần rồi Hương bỏ trốn với số tiền tổng cộng là gần 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng với thủ đoạn này, Hương còn vay rồi sau đó chiếm đoạt của chị P.T.N.H (SN 1960, ở phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội) số tiền là 2,7 tỷ đồng.

… chiếm đoạt hơn 8,6 tỷ đồng

Theo truy tố, từ năm 2009 – 2/2011, Hương đã vay tất cả 6 người với tổng số tiền lên đến hơn 8,6 tỷ đồng với cùng một lý do là làm ăn lớn. Toàn bộ số tiền sau khi vay được của các bị hại, Hương đều chi dùng hết vào mục đích cá nhân. Khi không còn khả năng thanh toán, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Đến ngày 1/4/2015, cựu cán bộ Nhà văn hóa quận bị bắt giữ theo lệnh truy nã.

Tại phiên tòa, Hương cho biết, chị ta vay tiền để kinh doanh bất động sản. Để có tiền đầu tư lớn, chị ta đi vay mượn của nhiều người quen. Khi có khoảng 10 tỷ đồng, Hương đã hùn vốn để mua đất ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Tuy nhiên, theo như lời khai của Hương tại tòa, chị ta đã bị lừa. Khi biết không còn khả năng chi trả, Hương đã rời khỏi địa phương vào huyện Châu Đốc (tỉnh An Giang) rồi sau đó là TP Hồ Chí Minh.

Cũng theo lời khai của Hương, quãng thời gian 4 năm sống ở miền Nam đã khiến bị cáo hối hận về những gì mình đã gây ra trước đó. Và cũng chỉ vì “sa cơ lỡ vận” mà người phụ nữ 40 tuổi này mới vướng vào tội chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 8,6 tỷ đồng của những người thân quen.

Tại phiên tòa, trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án, bị cáo Hương cho biết, bị cáo chấp nhận hình phạt cũng như mức bồi thường mà vị đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị trước đó. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Hương đã tỏ ra ăn năn về tội lỗi mình đã gây ra khi gửi lời xin lỗi tới các bị hại. Đồng thời, xin HĐXX cũng như các bị hại chấp nhận lời xin lỗi của bị cáo để mong nhận được một mức án thấp nhất có thể để sớm ra tù có cơ hội làm lại và khắc phục hậu quả.

Theo nhận định của HĐXX, hành vi của bị cáo Hương được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, căn cứ vào lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Giáng Hương mức án 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.