KTĐT - Để phát triển bền vững giao thông đô thị, giao thông công cộng đang là vấn đề được các cơ quan hữu trách ở thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm khi các phương tiện cá nhân tham gia lưu thông với mật độ dày đặc trong một thành phố ngày càng trở nên chật chội.
Giao thông đô thị có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thủ đô Hà Nội và là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội cũng như sự phát triển của các ngành nghề khác.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững giao thông đô thị, giao thông công cộng đang là vấn đề được các cơ quan hữu trách ở thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm khi các phương tiện cá nhân tham gia lưu thông với mật độ dày đặc trong một thành phố ngày càng trở nên chật chội.
Mất cân đối về cơ cấu phương tiện
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hệ thống giao thông đô thị Hà Nội hiện nay có quá nhiều bất cập và tồn tại, chưa đáp ứng được vai trò là đầu mối giao thông quốc gia.
Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn thành phố còn quá thấp, hiện chỉ chiếm khoảng 6 đến 7% diện tích đất đô thị.
Mạng lưới đường lại phân bố không đều, khu vực nội thành mật độ khá cao nhưng ở các khu vực đang đô thị hóa và huyện ngoại thành còn rất thấp.
Hà Nội đã xây dựng một số tuyến đường vành đai nhưng chưa có đường vành đai nào hoàn chỉnh, nên phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách trung chuyển quá cảnh qua thành phố phải đi vào nội thành, tạo sức ép rất lớn lên hệ thống giao thông nội đô.
Trong khi đó, tốc độ phát triển phương tiện tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân. Hiện nay, đang có sự mất cân đối về cơ cấu phương tiện trong hệ thống giao thông của Hà Nội: xe máy có số lượng đông đảo nhất với khoảng hơn 3,6 triệu chiếc, chiếm 70% tổng số phương tiện; ôtô con mặc dù số lượng không nhiều (khoảng hơn 300.000 xe) nhưng đang tăng khá nhanh với khoảng 10 đến 14%/năm.
Trong khi đó, hệ thống giao thông của Hà Nội thiếu một quy hoạch tổng thể, đồng bộ về phát triển giao thông đô thị phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và tốc độ phát triển đô thị ngày càng cao.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị và sự gia tăng của các loại phương tiện giao thông; thiếu nguồn lực tài chính cho phát triển giao thông vận tải...
Ưu tiên phát triển vận tải công cộng
Ông Hùng cho biết để giải quyết cơ bản vấn đề trên, bên cạnh các giải pháp phát triển mạng lưới đường sá, xây thêm cầu vượt sông Hồng, xây các nút giao thông khác mức, tổ chức sắp xếp lại giao thông hợp lý thì một giải pháp có tính chủ đạo là phải nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông công cộng có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo hiện đại, an toàn, tiện lợi và bảo vệ môi trường.
Thành phố cần nhanh chóng phát triển phương thức vận tải khối lượng lớn; kiểm soát sự gia tăng phương tiện vận tải cá nhân; giải quyết ùn tắc giao thông và an toàn giao thông đô thị. Đây là cốt lõi trong chiến lược phát triển giao thông đô thị cũng như giải pháp chính để đảm bảo sự phát triển giao thông đô thị một cách bền vững.
Đến nay, loại hình giao thông công cộng phổ biến nhất ở Hà Nội vẫn chỉ là xe buýt, với khoảng 1.000 xe hoạt động trên 79 tuyến, đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu đi lại.
Vận tải hành khách công cộng chưa thực sự lôi kéo người dân sử dụng rộng rãi do chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, vận tải bằng đường sắt hiện chủ yếu phục vụ đi lại đường dài, giao cắt rất nhiều với đường bộ, gây nên nhiều bất tiện cho người đi đường.
Hà Nội đã đề ra chiến lược phát triển vận tải công cộng với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đáp ứng được 55% nhu cầu của người dân.
Theo định hướng này, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội sẽ gồm các phương thức vận tải khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, bên cạnh hệ thống xe buýt thông thường hiện đang sử dụng và hệ thống bổ trợ với các phương tiện giao thông nhỏ, trong đó đường sắt đô thị đóng vai trò là “xương sống.”
Đến năm 2020, mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố sẽ có nhiều tuyến kết nối trung tâm với vùng phụ cận như Ngọc Hồi-Yên Viên, Nam Thăng Long-Thượng Đình, Nhổn-ga Hà Nội-Hoàng Mai...
Bên cạnh đó, Hà Nội đang triển khai xây dựng một tuyến xe buýt nhanh theo hướng Kim Mã-Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương-Hà Đông-Ba La, dự kiến hoàn thành trong năm 2013.
Để hiện thực hóa các dự án này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng chung, được trao toàn quyền kiểm soát đối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng như giám sát các tiêu chuẩn dịch vụ.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đang đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên về đất đai, ưu tiên về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phục vụ cho mục đích giao thông công cộng, đặc biệt là ưu đãi cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng./.