Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị Tổng kết một năm triển khai mô hình này do Bộ Công Thương tổ chức (11/12).
Vẫn còn những tồn tại
Thực tế triển khai chương trình cho thấy, tại một số tỉnh trong quá trình lựa chọn DN tham gia chưa phù hợp nên buộc phải thay thế, điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thừa nhận, tỉnh Đồng Tháp đã chọn Công ty CP Docimexco và HTX Nông nghiệp Tân Cường làm chủ thể trong mô hình thí điểm về liên kết đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng giữa DN với nông dân không thành công, do trách nhiệm của các bên tham gia chưa được cụ thể hóa; DN và nông dân chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau và thiếu sự chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhiều HTX, DN tham gia còn thiếu thốn, nhiều DN không có kho chứa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc chủ động cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm khi vào mùa vụ gặp nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng bức xúc, vẫn có tình trạng DN sau khi đã nhận đủ hàng nông sản nhưng không thanh toán kịp thời cho nông dân. Một số DN lại nặng về tiêu thụ nông sản, chưa chú trọng việc cung ứng vật tư nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều nông dân dù đã ký hợp đồng với DN cung ứng vật tư nhưng lại bán sản phẩm cho DN khác khi giá thị trường tăng cao.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Không chỉ có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân gặp nhiều khó khăn mà ngay cả hoạt động liên kết giữa các DN trong việc cung ứng vật tư cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - Đạm Phú Mỹ thừa nhận, hệ thống phân phối của DN sản xuất tại thị trường nông thôn vừa thiếu vừa yếu, việc cung ứng vật tư nông nghiệp chủ yếu dựa vào hệ thống đại lý. Trong khi đó, một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp lại mang tính chất thời vụ nên thiếu gắn kết ổn định với DN sản xuất.Cần được nhân rộng
Mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhưng thực tế triển khai cho thấy, mô hình này đã đáp ứng được mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân, tạo việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hơn nữa, đây là mô hình có sự kết hợp giữa nông dân với DN mang lại lợi ích 2 chiều, từ đó tạo lập kênh phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, để có thể nhân rộng mô hình này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, các DN tham gia chương trình, ngoài việc tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cần phải bám sát đồng ruộng cùng nông dân trong suốt quá trình sản xuất đến thu hoạch, thực hiện đúng cam kết thu mua hết sản phẩm;…
Về phía hộ nông dân cũng cần nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết ghi trong hợp đồng để nâng cao uy tín và xác lập mối quan hệ lâu dài với DN. "Qua triển khai mô hình thí điểm, nhiều địa phương xuất hiện tình trạng DN không đầu tư nhưng vẫn tranh mua, tranh bán với DN đã bỏ tiền đầu tư hoặc người nông dân vẫn cố tình phá vỡ hợp đồng. Do đó, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.