Lợi ích kinh tế, môi trường
Gánh nước từ nhà ra cánh đồng để tưới những luống bắp cải, cà chua của gia đình chuẩn bị cho dịp cuối năm, ông Bùi Công Tuấn (xã Hòa Phú, Ứng Hòa) cho biết: “Đây là nước tưới rau do gia đình tự làm theo hướng dẫn của cán bộ xã. Loại nước này tưới cho rau rất tốt, tiết kiệm chi phí, và đặc biệt đảm bảo vệ sinh, an toàn, đỡ rác thải ra môi trường”.
Giống như ông Bùi Công Tuấn, đều đặn hằng ngày, bà Nguyễn Thị Xuân (Thôn Dư Xá, xã Hòa Phú) gom các loại vỏ hoa quả như cam, bưởi, dứa để lên men. Sau đó, bà Xuân ủ số rác hữu cơ theo công thức gồm men tiêu hóa, men rượu, sữa chua, chuối chín, đường mía, cám gạo, qua 3 bước cơ bản nuôi men, cấy men, pha men. Bà Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” đem lại 2 lợi ích cho người dân. Đầu tiên là giúp mỗi người có thói quen thu gom, phân loại rác thải tại nhà, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thứ hai, sau khi thu gom rác hữu cơ, chúng tôi có thể ủ để lấy nước tưới cây, rau làm phân bón cho cây trồng tại vườn nhà, bón ruộng hoặc làm thức ăn chăn nuôi”.
Bên cạnh đó, một số người dân xã Hòa Phú còn sáng tạo sử dụng chế phẩm để tạo ra nước tắm, nước giặt, nước rửa bát, lau sàn nhà, nhà vệ sinh và nhiều bề mặt vật dụng khác. Cũng từ các loại phế phụ phẩm rau, củ, quả, người dân còn chế ra các loại dung dịch giúp khử trùng chuồng trại chăn nuôi, ao cá.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Phú Lê Thị Loan chia sẻ: “Hiện nay, mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” đã lan tỏa tới cả 4/4 thôn trong xã với đông đảo các hộ gia đình tham gia. Việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ tạo ra lượng lớn phân hữu cơ phục vụ trồng trọt mà môi trường xung quanh ngày một xanh, sạch, đẹp nhờ hạn chế rác thải, nước thải; địa phương giảm được áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí cho công tác bảo vệ môi trường. Tôi tin tưởng, quyết tâm trong năm 2023, 100% hộ dân toàn xã thực hiện tốt mô hình phân loại rác thải này. Bởi qua quá trình thực hiện, chúng tôi thấy có lợi ích rất lớn là chúng ta phân loại rác đầu nguồn, ủ được phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng”.
Lan tỏa nếp sống văn minh
Thời gian đầu, việc triển khai mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn" trên địa bàn huyện Ứng Hòa gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do người dân chưa có thói quen phân loại rác vô cơ, rác hữu cơ, nhiều khi đổ lẫn các loại thức ăn thừa có vị mặn vào dẫn tới việc ủ men vi sinh hiệu quả không cao. Vì vậy, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lan cho biết: “Huyện đã phân công cử một cán bộ cơ sở hướng dẫn 10 hộ gia đình. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật phân loại và xử lý rác tại nguồn thành phân bón sao cho hiệu quả thì mọi thắc mắc và vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đều được tháo gỡ kịp thời. Từ thực tế cách làm tại địa phương và qua học tập kinh nghiệm lẫn nhau, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa đã hướng dẫn thành công nhiều hộ dân tạo men vi sinh tại gia đình.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới vấn đề đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp là một trong những tiêu chí được đặt ra. Với tinh thần đó, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND đã có chỉ đạo, điều hành và xuyên suốt cùng phong trào “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ đã tham gia tích cực”. Tuy nhiên, vấn đề phân loại, xử lý rác thải trên địa bàn dân cư đòi hỏi là hoạt động thường xuyên, liên tục, tạo thành ý thức tự nguyện, tự giác của Nhân dân, không riêng tổ chức đoàn thể nào có thể đảm nhiệm được hết.
Trên tinh thần đó, UBND huyện đã có chương trình kế hoạch cụ thể. Qua đó thống nhất tiếp tục giao cho MTTQ, các tổ chức đoàn thể với vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện chủ trì trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Sóc Sơn để triển khai trên địa bàn huyện Ứng Hòa.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn thông tin: “Sau một thời gian thực hiện, tới thời điểm này đã tạo ra tính lan tỏa và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, rác thải ở các địa bàn dân cư từng bước được phân loại. Trên cơ sở đó dùng chế phẩm sinh học để xử lý và được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu phong trào được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, tôi hy vọng sẽ mang lại thành công lớn. Đồng thời, Ứng Hòa là huyện nông nghiệp, những sản phẩm thu gom được xử lý sẽ là phân hữu cơ cho vùng sản xuất cây trồng. Thông qua chương trình phân loại xử lý rác thải này, những vấn đề đảm bảo môi trường sống trên địa bàn huyện Ứng Hòa sẽ tốt hơn.
Để giúp người dân thay đổi thói quen, Hội đã triển khai mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”. Mô hình được thí điểm triển khai tại 3 xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022. Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa phối hợp với Hội Nông dân huyện Ứng Hòa, phòng TN&MT; Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Trạm Xanh Ứng Hòa tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt; phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể vận động người dân tham gia, giám sát việc triển khai mô hình. Những hộ tham gia mô hình được cấp phát 2 thùng chứa chất thải có nắp đậy, dán nhãn phân loại hoặc hình ảnh minh họa; được cấp phát men vi sinh để xử lý rác thải theo quy định. Đến nay, Ứng Hòa đã triển khai mô hình "Phân loại rác thải tại nguồn" tới hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa Ngô Thị Duệ