Hiệu quả nhiều mặt
Từ năm 2010, Quận ủy Tây Hồ đã xây dựng và triển khai Chương trình quản lý, khai thác hồ Tây và các vùng phụ cận gắn với phát triển kinh tế giai đoạn 2010 - 2015 (Chương trình 02) do Chủ tịch UBND quận Nguyễn Phúc Quang làm chủ nhiệm chương trình. Ngay sau đó quận đã cụ thể hóa Chương trình bằng các đề án cụ thể như Đề án "Phát triển dịch vụ giải trí câu cá xung quanh hồ Tây"; "Phát triển trồng hoa Sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây", "Phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch trên mặt nước và xung quanh hồ Tây", "Quản lý sử dụng đất, phát triển kinh tế du lịch khu vực kè đá phường Nhật Tân"... Với quan điểm, khai thác song hành với quản lý và bảo vệ khu vực hồ, các mục tiêu, giải pháp cụ thể cũng đã được triển khai.
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, thuận lợi cơ bản là sau khi Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây hoàn thành, đã đem lại cho hồ Tây bộ mặt đô thị mới. Theo đó, đô thị phát triển và gia tăng đáng kể với chiều dài tuyến là 18,6km nằm trên địa bàn 6 phường, hoạt động kinh doanh, giải trí cũng phát triển hơn. Một lợi thế nữa là quận có một hệ thống di tích lớn, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc... đáp ứng tốt hoạt động du lịch văn hóa. Chính quyền quận đã quan tâm tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận như chùa Tảo Sách, đền Voi Phục, chùa Hoàng Ân, chùa Tĩnh Lâu, chùa Kim Liên... Thực hiện việc nuôi trồng thủy sinh nhằm trang trí mặt nước, đồng thời góp phần cải tạo hệ thống sinh thái lòng hồ Tây; đưa vào sử dụng Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây; từ năm 2013, một số dự án nạo vét lòng hồ tại các khu vực Đầm Bảy - phường Nhật Tân và Ao Vả - phường Yên Phụ), khu vực từ Võng Thị đến bán đảo Tây Hồ (phường Bưởi) đã được thực hiện và sẽ tiếp tục trong năm 2015, không chỉ làm cho hồ đẹp hơn mà còn giúp bảo vệ, tôn tạo, cải thiện môi trường nước. Để "lập lại trật tự kinh doanh, du lịch" khu vực hồ, quận cũng thống nhất danh mục và tổ chức quản lý các hoạt động kinh doanh trên mặt nước hồ Tây và khu vực đường dạo xung quanh; quản lý nghiêm các phương tiện thủy, tàu, thuyền hoạt động trên mặt hồ; đầu tư dự án vườn hoa công viên cây xanh 18ha khu Phủ Tây Hồ, 1,3ha khu khách sạn Tây Hồ... Tạo ra môi trường cảnh quan, không gian vui chơi công cộng cho người dân và du khách.
Cùng với những sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tây Hồ đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể như "Chè Sen Quảng An", "Quất cảnh Tứ Liên"; thương hiệu vùng trồng đào truyền thống Nhật Tân vẫn được duy trì và phát triển. Quận cũng đã triển khai đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh giai đoạn 2012 - 2016. Có thể nói, Hồ Tây và vùng phụ cận sau khi được khai thác và quản lý bài bản không chỉ sạch, đẹp hơn về cảnh quan và môi trường, mà còn giúp quận tăng tốc độ phát triển kinh tế. Theo lãnh đạo quận, con số minh chứng rõ ràng nhất là tổng giá trị sản xuất trên địa bàn quận Tây Hồ tăng bình quân là 12,5%/năm. Trong đó ngành dịch vụ tăng đều hàng năm, riêng năm 2014 tăng 14,5%, chiếm tỷ trọng 67,3% tổng giá trị các ngành kinh tế do quận quản lý.
Tiếp tục quảng bá
Đúng như lãnh đạo quận Tây Hồ nhận định, tiềm năng của Hồ Tây cũng như vùng phụ cận còn rất nhiều. Việc khai thác mới chỉ là bước đầu, hiệu quả chưa được như mong muốn. Mặc dù quận đã khai trương tuyến xe điện tham quan di tích, lịch sử - văn hóa - du lịch xung quanh hồ Tây, nhưng ý tưởng "một vòng quanh hồ Tây" vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Do đó, một giải pháp được lãnh đạo quận quan tâm trong thời gian tới là sẽ phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch dịch vụ - du lịch khu vực hồ Tây và vùng phụ cận gắn với việc khai thác hiệu quả tuyến xe điện, nghiên cứu các tour du lịch trên hồ Tây để triển khai hiệu quả hơn. Cùng với đó, đầu tư khai thác các điểm theo quy hoạch để xây dựng vườn hoa, công viên cây xanh làm nơi vui chơi, xây dựng mở rộng vườn hoa Lạc Long Quân... Để người dân và du khách đến với hồ Tây nhiều hơn, quận cũng sẽ tăng cường quảng bá giới thiệu về cảnh quan môi trường thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận. Một đề án quảng bá văn hóa lịch sử hồ Tây sẽ được triển khai, cùng với việc xây dựng và trình ban hành đề án "Xây dựng các ki ốt bán hàng lưu niệm trong khu vực quản lý hồ Tây phục vụ du khách tham quan". Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, với việc triển khai sâu hơn những đề án đã được thực hiện trong 4 năm qua, Chương trình 02 sẽ góp một nguồn thu lớn để quận hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm nay đạt trên dưới 1000 tỷ đồng.
Một góc hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng
|