Việc làm này không chỉ giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm giá rẻ, chất lượng đảm bảo mà còn hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất.
Sôi động hàng nhãn riêng
Hiện nay, hàng loạt siêu thị lớn như BigC, Metro Cash & Carry, Co.op Mart… đều có những hoạt động liên kết với các DN sản xuất hàng mang nhãn hiệu riêng của siêu thị mình. Điển hình, Metro Cash & Carry đã giới thiệu đến người tiêu dùng khoảng 6 hàng nhãn riêng (HNR) như: Aro, Fine Food, Fine Dreaming, HoReCa, H-Line, SIGMA với các nhóm hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, thiết bị văn phòng... Tương tự, siêu thị BigC cũng đã phát triển hệ thống HNR, nổi bật là nhãn hàng WOW với khoảng 150 mặt hàng; Thực phẩm chế biến eBon với 50 sản phẩm. Không nằm ngoài xu thế, Co.op Mart cũng đã tung ra hàng trăm mặt hàng nhãn hiệu Co.op Mart trên tổng số 20.000 mặt hàng đang bày bán…
Ngay sau khi các siêu thị đưa ra HNR, mặt hàng này đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng bởi giá bán thấp hơn hàng chính hãng từ 15 - 30% mà chất lượng tương đương. Lý giải về giá bán hàng nhãn riêng luôn rẻ, ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Mart cho biết: "HNR có giá thấp là do siêu thị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa nên không phải tốn chi phí quảng cáo. Ngoài ra siêu thị có thể chủ động giảm lãi để có mức giá rẻ".
Ông Pascal Billaud - Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Big C nhận định: Việc phát triển HNR là nhu cầu tất yếu của ngành bán lẻ, khi mô hình kinh doanh siêu thị phát triển, thương hiệu đã được khẳng định với người tiêu dùng. Dự kiến, trong vòng 3 năm tới, mua những mặt hàng HNR sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu của người tiêu dùng.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Việc các nhà phân phối đẩy mạnh tiêu thụ HNR đã khiến không ít người cho rằng, DN sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn bởi vừa phải cạnh tranh với các nhà sản xuất khác vừa phải đối phó với chính các nhà phân phối. Tuy nhiên, thực tế phát triển HNR thời gian qua cho thấy, về hình thức, HNR có vẻ đang cạnh tranh với sản phẩm do DN sản xuất, tuy nhiên việc cạnh tranh này không quá nhiều. Lý do, DN sản xuất là người chủ động nguồn cung sản phẩm và chỉ nhận gia công một vài mặt hàng phổ thông, riêng các mặt hàng có tính chiến lược hoặc đặc thù thì không sản xuất HNR cho siêu thị.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng Giám đốc Saigon Co.op Mart khẳng định, HNR không thể "đe dọa" các DN sản xuất vì HNR chỉ được bay bán tại các siêu thị hiện đại. Ngoài ra hiện người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua sắm tại chợ truyền thống là nơi tiêu thụ chủ yếu của DN sản xuất. Còn bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng: Việc phát triển HNR không phải là hành động "thôn tính" DN sản xuất mà là hoạt động tương hỗ nhau, bổ sung lựa chọn cho người tiêu dùng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, lượng hàng hóa tồn kho cao, việc sản xuất HNR sẽ giúp DN phát huy hết năng lực sản xuất, sản phẩm làm ra, không phải cạnh tranh, tăng doanh thu và lợi nhuận do không phải mất chiết khấu cho nhà phân phối...
HNR được cho là "liều thuốc thử” của DN trong việc đánh giá sản phẩm của mình khi đến với người tiêu dùng. Và việc kết hợp với nhà bán lẻ sẽ giúp DN sản xuất tăng lượng hàng bán ra, qua đó phát triển kinh doanh.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Việt Hùng
|