KTĐT - Lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân vẫn thua xa doanh nghiệp nhà nước và FDI. Theo đó, lợi nhuận trên tổng tài sản của khu vực tư nhân là 1,5%, trong khi của doanh nghiệp nhà nước là 5,4% và FDI là 10,6%.
Hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân xếp vào loại cao nhất nhưng lợi nhuận trên tổng tài sản lại thấp hơn so với khu vực nhà nước và đầu tư nước ngoài.
Nhận định này nằm trong báo cáo rà soát chỉ số và chính sách phát triển kinh tế tư nhân vừa được Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp - Đầu tư cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 13/10.
Theo báo cáo, đến nay cả nước đã có hơn 500.000 doanh nghiệp được thành lập. Thông qua so sánh mối liên hệ giữa đồng vốn đầu tư và sản lượng GDP của ba khu vực doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì khu vực tư nhân vẫn có hiệu quả đầu tư cao nhất.
Cụ thể, năm 2001, chỉ số về hiệu quả đầu tư ICOR của khối doanh nghiệp tư nhân là 2,63, doanh nghiệp nhà nước là 7,42 và FDI là 6,29. Đến năm 2007, ICOR của các doanh nghiệp tư nhân vẫn là thấp nhất, doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 3,74 đồng đầu tư cho một đồng sản phẩm đầu ra, trong khi đó doanh nghiệp nhà nước phải cần đến 8,28 đồng và doanh nghiệp FDI là 4,99 đồng.
Ngoài ra, chi phí tạo việc làm của doanh nghiệp tư nhân cũng thấp nhất trong các khu vực. Năm 2008, doanh nghiệp nhà nước cần 436,5 triệu đồng vốn chủ sở hữu để tạo ra một việc làm, trong khi đó tư nhân cần khoảng 224,1 triệu đồng.
Năm 2009, khu vực kinh tế tư nhân cung cấp việc làm cho 85% số lao động. Con số này trong khu vực nhà nước và khu vực FDI lần lượt là 11,5% và 3,4% tổng số lao động có việc làm (47,7 triệu lao động).
Bên cạnh đó, doanh thu trên tổng tài sản của khu vực tư nhân cũng cao hơn các khu vực khác. Năm 2008, doanh nghiệp tư nhân từ 1 tỷ đồng tài sản đã tạo ra được 1,8 tỷ doanh thu thì doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra được 0,80 tỷ đồng và FDI tạo ra 0,89 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân vẫn thua xa doanh nghiệp nhà nước và FDI. Theo đó, lợi nhuận trên tổng tài sản của khu vực tư nhân là 1,5%, trong khi của doanh nghiệp nhà nước là 5,4% và FDI là 10,6%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, tình trạng lợi nhuận thấp khiến doanh nghiệp tư nhân khó tích lũy nội bộ. Khi tỷ suất lợi nhuận thấp thì không thể phát triển, đó là vòng luẩn quẩn của doanh nghiệp tư nhân.
Bà Lan cho rằng, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp hiện nay đưa ra chủ yếu về số lượng. Cũng chính vì hướng nhiều vào số lượng nên Nhà nước không có giải pháp cần thiết khuyến khích đầu tư theo chiều sâu.
Lý giải điều này, ông Lê Duy Bình, đại diện nhóm nghiên cứu hỗ trợ Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp cho rằng, có một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, tức lợi nhuận âm. Nhưng cũng có thể, họ có xu hướng trốn thuế nên khai lợi nhuận thấp.
Chuyên gia này phân tích, doanh nghiệp tư nhân phải chịu gánh nặng chi phí kinh doanh lớn nên dẫn tới lợi nhuận lại thấp. Ông đưa ra dẫn chứng, doanh nghiệp tư nhân phải chịu chi phí thuê mặt bằng lớn, còn doanh nghiệp nhà nước và FDI có thể sẽ được giao hoặc cho thuê với mức giá thấp hơn.
Ngoài ra, việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân cũng gặp khó khăn, bởi họ thường thiếu tài sản thế chấp, đặc biệt để cho vay vốn trung và dài hạn.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nhiều ưu đãi hiện nay của Nhà nước dành cho doanh nghiệp tư nhân vẫn theo cơ chế xin - cho. Doanh nghiệp tư nhân cần được coi là trụ cột của nền kinh tế và do đó, cần có sự cân bằng về quan điểm khuyến khích đầu tư trong nước cũng như thu hút FDI.