Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời ru buồn trên những rẻo cao Quảng Trị

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa kịp qua tuổi thiếu nữ, các em đã trở thành những bà mẹ trẻ, cái đói, cái nghèo, thiếu học cứ rơi vào vòng luẩn quẩn không dứt. Suy nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ” vẫn ám ảnh nơi rẻo cao khiến nạn tảo hôn âm ỉ trong những bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Quảng Trị.

1. Cơn mưa nặng hạt khiến căn nhà được thưng bằng những tấm lồ ô không ngăn nổi ''cơn thịnh nộ'' của trời đất. Bếp lửa ướt dần khiến căn nhà khói mù mịt. Cố khơi những viên than còn sót tìm chút hơi ấm, Hồ Thị Quý (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vừa ho từng cơn vì lạnh, vì khói bếp,  vừa ôm đứa con sinh thiếu tháng vào lòng ru nhẹ.
Tốt nghiệp THCS, Quý tiếp tục theo học lớp 10 tại trường THPT A Túc. Để ra được trường, từ nhà Quý phải đi về hơn 60km qua những đoạn đường rừng vắng vẻ. Sau học kỳ I, không thấy Quý đến trường, thầy, cô liên lạc thì Quý chỉ cười: Em lấy chồng rồi!
 Quý lấy chồng, có con khi tuổi 15 và chồng Quý là Hồ Văn Việt vừa bước qua tuổi 19.
Rồi Quý mang thai, sinh đứa con trai đầu lòng đã được 5 tháng tuổi dù tháng 10/2021 Quý mới tròn 16. Chồng Quý là Hồ Văn Việt cũng chỉ vừa bước sang tuổi 19. Nhà đông anh em, 2 vợ chồng trẻ con quyết định ra ở riêng sau khi tích cóp được 3 triệu đồng. “Dành dụm được 3 triệu đồng, đủ tiền mua mấy tấm lợp và nhờ anh em trong làng giúp cho vợ chồng em căn nhà bên đất bố mẹ cho”, Việt cười nói.
Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ đủ che nắng, còn mưa, gió vẫn cứ thốc từng hồi. Quý nước da vàng và gầy gò vì thiếu ăn và thiếu cả sữa cho con bú cười bẽn lẽn khi thấy chúng tôi thăm căn nhà.
 Căn nhà tạm bợ được dựng lên với số tiền 3 triệu đồng mà 2 vợ chồng Quý và Việt tích cóp được.
Nét ngây thơ vẫn vương trên gương mặt của 2 vợ chồng trẻ cũng như sự lúng túng khi tiếp xúc với người lạ. Không ai nghĩ rằng, họ đã gánh thêm thiên chức làm cha, làm mẹ với bao lo toan cho cuộc sống gia đình.
“Mẹ cũng lấy chồng sớm nên nhà em 7 anh em, gia đình khó khăn lắm nên em không theo học được nữa, gặp Việt ưng cái bụng là lấy nhau thôi”, Quý nói chuyện nghỉ học, lấy chồng nhẹ tênh. Có lẽ việc lấy vợ, lấy chồng của những bà con Vân Kiều nơi đây vẫn hồn nhiên như cỏ cây nơi vùng cao này.
2. Ôm cặp sách của chị trong tay, em gái của Hồ Thị Thiên Lan (15 tuổi, trú tại thôn Thanh 1, xã Thanh, huyện Hướng Hóa) buồn bã nói: "Hắn đi lấy chồng rồi!". Lan cũng vừa mới tốt nghiệp lớp 9 hè năm nay và chồng của Lan cũng là bạn học cùng lớp, em Hồ Văn Giáo.
Gia cảnh khó khăn, bố, mẹ Lan rời quê vào Bình Dương làm thuê, để lại nhà bà mẹ già cùng 5 đứa con thơ. Trong đó, Lan là con gái đầu của 2 vợ chồng. Ngày Lan gọi điện vào báo bố mẹ báo tin con có thai rồi! Mẹ Lan đã khóc hết nước mắt.
 Những đứa em của Hồ Thị Thiên Lan vẫn ngóng chị mình về chơi cùng, Lan nghỉ học lấy chồng khi 15 tuổi và mang thai đã 4 tháng.

Mang thai đến tháng thứ 4, Lan không hề hay biết mình chuẩn bị thiên chức làm mẹ, chỉ đến khi người thím nghi ngờ đưa Lan đi khám mới vỡ lẽ. Thế rồi, chỉ cần nói với bố mẹ và thêm ít lễ vật cúng Giàng, Lan về ở bên nhà chồng. 2 vợ chồng cũng không thể đăng ký kết hôn vì Lan và chồng chưa đủ tuổi.
Trong căn nhà của Hồ Văn Tiên (bố chồng của Hồ Thị Thiên Lan), tôi bất ngờ khi biết Tiên chỉ vừa 36 tuổi và chuẩn bị lên chức… ông nội. Hỏi Tiên vì sao cho con mình kết hôn sớm, Tiên bình thản: "Mình động viên cho nó đi học chứ nhưng cái bụng nó không thích mà chỉ thích lấy vợ nên mình cưới cho nó thôi. Lấy vợ rồi nó lo làm nuôi vợ nó chứ".
Nói là thế nhưng đôi vợ chồng trẻ cũng phải phụ thuộc vào gia đình của Tiên. Giáo và Lan cũng chỉ vừa học xong lớp 9, cũng chỉ phụ cho gia đình làm rẫy, chăn bò, thả dê.
 Những đứa em và bà của Lan vẫn nghĩ chuyện Lan đi lấy chồng khi 15 tuổi như chuyện bình thường khi quanh thôn Thanh 1 cũng có nhiều trường hợp tương tự.

3. Hơn 2 năm trước, tại thôn Thanh 1 (xã Thanh), UBND huyện Hướng Hóa tổ chức “Lễ ra mắt quy ước thôn không có tảo hôn”. Nhưng tình trạng tảo hôn ở thôn được chọn tổ chức quy ước này không thể chấm dứt.
Chỉ tính trên đầu ngón tay, từ năm 2020 đến nay, thôn Thanh 1 đã có đến 10 trường hợp tảo hôn. Trong đó, có 7 trường hợp lấy vợ về ở thôn và 3 trường hợp trong thôn đi lấy chồng nơi khác. Những đứa trẻ chỉ cần thích nhau và bố mẹ chúng đồng ý là thành vợ, thành chồng mà không hề có sự cấm cản nào.
Xã Thanh gần 690 hộ nhưng có trên 62% là hộ nghèo và cận nghèo. Nơi đây, cái đói, cái nghèo vẫn cứ bám riết những hộ gia đình với nếp suy nghĩ lạc hậu.
Cứ rơi vào vòng luẩn quẩn đó, xã Thanh năm nào cũng có các cặp gia đình trẻ con và đây là xã xảy ra tình trạng tảo hôn cao nhất của huyện Hướng Hóa. Từ năm 2016 đến năm 2020, toàn xã có 81 cặp tảo hôn.
 Việc tuyên truyền, vận động được triển khai nhiều thế nhưng năm nào cũng có những cặp vợ chồng trẻ con lấy nhau.

4. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, từ năm 2016 đến năm 2020 đã có 692 trường hợp tảo hôn dù chính quyền địa phương đã tổ chức hàng loạt buổi tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật. Đặc biệt, ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xảy ra nhiều hơn cả.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ, tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn xảy ra  khá nhiều và đến nay, các xã, thị trấn vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn và hình thức xử phạt nào đối với các trường hợp tảo hôn.
Về nguyên nhân tình trạng tảo hôn và những hệ lụy nó để lại thì chính quyền địa phương cũng như các cấp cơ sở đều nhận thấy. Thế nhưng, để chấm dứt tình trạng này trong các bản, làng bà con người Vân Kiều nơi vùng cao này vẫn là vấn đề nan giải.
Nhiều đề án, kế hoạch được triển khai quyết liệt nhưng chưa mang lại hiệu quả bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân vẫn là đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật vẫn còn thấp của người vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, theo đánh giá của UBND huyện Hướng Hóa thì những phản ứng từ phía cộng đồng còn yếu ớt, hầu hết coi đây là chuyện riêng từng gia đình. Thậm chí, cộng đồng không những phản đối mà còn đồng tình ủng hộ. Có lẽ, tảo hôn dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, thậm chí kể cả một số cán bộ xã là người địa phương.
 Tảo hôn vẫn là nỗi ám ảnh ở các bản, làng của huyện Hướng Hóa - nơi cái đói, cái nghèo và bỏ học vẫn tồn tại.
Rời các bản, làng vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, những cặp vợ chồng mang gương mặt trẻ thơ ôm đứa con thiếu tháng khiến tôi cứ ám ảnh. Đáng lẽ, tuổi các em đang được chăm sóc, dạy dỗ, hoàn thiện về thể chất, nhân cách và được hưởng những tương lai tươi sáng. Thế nhưng, áp lực gia đình, miếng cơm manh áo, nuôi dạy con đè nặng lên những đôi vai trẻ thơ.
Chưa kể, không ai dám khẳng định tương lai của những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình bố, mẹ trẻ con này sẽ ra sao khi không được nuôi dưỡng tốt. Và có lẽ như bố, mẹ chúng lại kết hôn sớm, bỏ học, quẩn quanh cái vòng đói, nghèo mãi không thoát ra được.
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm thiểu 2-3% năm tình trạng tảo hôn. Hy vọng rằng, đề án sẽ thực hiện thành công để những lời ru không còn buồn tủi trên những rẻo cao này.